Trong thời đại của nền kinh tế số, nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển mình sang các mô hình hoạt động áp dụng kỹ thuật số và khoa học công nghệ, giảm bớt công việc thủ công, nâng cấp các hệ thống cũ, đồng thời hợp lý hóa và tối ưu hóa quy trình làm việc. Phần mềm ERP cung cấp một bộ ứng dụng tích hợp giúp bạn quản lý và tự động hóa một số quy trình kinh doanh, chẳng hạn như tài chính, kế toán, nhân sự, bán hàng, hỗ trợ khách hàng và quản lý tồn kho. Việc quyết định lựa chọn loại phần mềm ERP nào phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của bạn về từng loại. Vì thế, trong bài viết ngày hôm nay, Magenest sẽ giới thiệu các loại phần mềm ERP phổ biến cũng như các chức năng chính của chúng, mục đích cơ bản và phương pháp để lựa chọn ra phần mềm phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn.
Mục lục
- Các loại phần mềm ERP dựa trên nền tảng công nghệ
- Các loại phần mềm ERP dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp
- Các loại phần mềm ERP dựa trên đặc điểm lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp
- Các loại phần mềm ERP dựa trên quy mô của doanh nghiệp
- Làm thế nào thế lựa chọn phần mềm ERP phù hợp nhất đối với doanh nghiệp?
Các loại phần mềm ERP dựa trên nền tảng công nghệ
Khi tiến hành triển khai phần mềm ERP, doanh nghiệp cần nghĩ ngay đến các nền tảng công nghệ mà phần mềm này sẽ được xây dựng và phát triển. Có ba dạng chính của phần mềm ERP mà được phát triển dựa trên các mô hình triển khai công nghệ khác nhau bao gồm: phần mềm ERP dựa trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud-based ERP software), phần mềm ERP tích hợp tại chỗ (On-premise ERP software), phần mềm ERP kết hợp (Hybrid ERP software). Hầu hết các doanh nghiệp sẽ lựa chọn các giải pháp ERP điện toán đám mây. Tuy nhiên, có một số lý do mà chúng ta cũng cần nên cân nhắc các loại phần mềm ERP khác.
Phần mềm ERP dựa trên điện toán đám mây
Phần mềm ERP dựa trên điện toán đám mây (hay Cloud-based ERP software) là một hệ thống lập kế hoạch và quản lý tài nguyên doanh nghiệp được lưu trữ trên các máy chủ của các nhà cung cấp phần mềm và có thể được truy cập thông qua Internet.
ERP dựa trên điện toán đám mây có một ưu điểm là chi phí phát triển rẻ hơn so với hệ thống tại chỗ và chi phí dài hạn dễ ước tính hơn. Thông thường, phần mềm điện toán đám mây có sẵn sẽ cho phép doanh nghiệp đăng ký hàng tháng hoặc hàng năm, cùng với các phí đào tạo, hỗ trợ, cập nhật và bảo trì hệ thống. Đây thường là một giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do giá cả phải chăng. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống ERP trên nền tảng điện toán đám mây thường mất ít thời gian hơn so với triển khai ERP tại chỗ.
Một lợi ích khác là doanh nghiệp sẽ không cần phải thuê các chuyên gia CNTT để bảo trì hệ thống vì các vấn đề của phần mềm ERP loại này sẽ được xử lý bởi nhà cung cấp. Mặt khác, điều đó cũng có nghĩa là quyền kiểm soát của bạn đối với hệ thống sẽ bị hạn chế và các tùy chọn tùy chỉnh cũng tương tự vậy.
Nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ thận trọng với phần mềm ERP dựa trên điện toán đám mây vì lý do việc bảo mật dữ liệu thuộc về trách nhiệm của nhà cung cấp và doanh nghiệp không nắm quyền kiểm soát trong vấn đề này. Do đó, khi quyết định lựa chọn sử dụng giải pháp ERP này, để đảm bảo dữ liệu của bạn an toàn, hãy chọn nhà cung cấp uy tín và có tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt. Thực hiện kiểm tra bảo mật của bên thứ ba nếu bạn quyết định sử dụng một nhà cung cấp ERP kém uy tín hơn.
Để dễ hình dung về phần mềm ERP điện toán đám mây thì một số ví dụ tiêu biểu về các nhà cung cấp có thể kể tên như Oracle Netsuite, Odoo, Microsoft Azure, Infor CloudSuite và Acumatica Cloud ERP.
Phần mềm ERP tích hợp tại chỗ
Phần mềm ERP tích hợp tại chỗ (On-premise ERP Software), ngược lại với phần mềm ERP điện toán đám mây, sẽ được cài đặt trực tiếp trên máy tính và máy chủ của tổ chức.
Giá thành của hệ thống ERP tích hợp tại chỗ được xác định dựa trên quy mô của công ty và số lượng người dùng. Đây được coi là một khoản đầu tư, vì công ty sẽ cần trả trước toàn bộ chi phí giấy phép sử dụng vĩnh viễn trong một lần. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ vẫn cần phải trả tiền cho việc đào tạo, hỗ trợ, cập nhật và bảo trì hệ thống định kỳ.
Các công ty mua phần mềm ERP tích hợp tại chỗ có toàn quyền kiểm soát hệ thống và có thể tùy chỉnh mọi module và các phân hệ của nó cũng như các khía cạnh khác. Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn sẽ cần thuê một đội ngũ các chuyên gia CNTT để bảo trì phần mềm của mình và đảm bảo phần mềm được cập nhật thường xuyên.
Một ưu điểm đáng kể của phần mềm ERP tích hợp tại chỗ là khả năng hoạt động mà không cần kết nối mạng internet. Điều này đặc biệt hữu ích trong các trường hợp mất kết nối mạng hoặc khi doanh nghiệp cần truy cập vào dữ liệu và chức năng ERP ngay cả khi không có kết nối internet.
Các loại phần mềm ERP tích hợp tại chỗ có uy tín nhất có thể kể đến là SAP ERP, SYSPRO ERP và Microsoft Dynamics GP.
Phần mềm ERP kết hợp
Một số nhà cung cấp đem đến tùy chọn ERP kết hợp (Hybrid ERP software), là sự kết hợp giữa phần mềm ERP tích hợp tại chỗ với điện toán đám mây riêng hoặc công cộng để lưu trữ và quản lý dữ liệu, thông tin.
Phần mềm ERP kết hợp cho phép doanh nghiệp linh hoạt mở rộng quy mô hệ thống theo nhu cầu thực tế. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể tận dụng lợi ích của việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây để mở rộng khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu khi cần thiết. Đồng thời, hệ thống nội bộ vẫn được duy trì để đảm bảo sự kiểm soát và bảo mật của các thông tin quan trọng.
Doanh nghiệp có khả năng kiểm soát và bảo mật dữ liệu quan trọng. Các thông tin được chia thành các phần dữ liệu nhạy cảm và phi nhạy cảm. Dữ liệu nhạy cảm được lưu trữ và xử lý trong hệ thống nội bộ, trong khi dữ liệu phi nhạy cảm có thể được lưu trữ trên điện toán đám mây. Điều này giúp đảm bảo tính an toàn và tuân thủ quy định bảo mật.
Các loại phần mềm ERP dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp
Như các bạn đã biết, không có một phần mềm ERP duy nhất phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp. Do đó, các loại phần mềm ERP dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức. Vậy doanh nghiệp của bạn sẵn sàng sử dụng loại nào: phần mềm ERP được tạo sẵn hay phần mềm ERP được tùy biến theo nhu cầu?
Phần mềm ERP tùy biến theo nhu cầu
Các phần mềm ERP tùy biến (Custom ERP software) có thể được xây dựng bởi một công ty phát triển ERP do bạn lựa chọn và có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu, ngành hoặc quy trình kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Thay vì sử dụng các phần mềm ERP sẵn có trên thị trường, phần mềm ERP tùy biến cho phép các doanh nghiệp thiết kế và phát triển hệ thống quản lý độc đáo, hoàn toàn phù hợp với quy trình và yêu cầu của mình.
Phần mềm ERP tùy biến giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh bằng cách tương thích hoàn toàn với các quy trình hiện có của doanh nghiệp. Từ việc lập kế hoạch và quản lý sản xuất, quản lý tài chính, quản lý nhân sự đến quản lý kho hàng và dịch vụ khách hàng, phần mềm ERP tùy biến được thiết kế để đáp ứng đầy đủ yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, giúp tăng cường hiệu suất làm việc.
Một lợi ích quan trọng của phần mềm ERP tùy biến là khả năng tương thích với hệ thống hiện có của doanh nghiệp. Thay vì phải thay đổi hoặc thay thế toàn bộ hệ thống, phần mềm ERP tùy biến có thể tích hợp và tương tác với các ứng dụng và cơ sở hạ tầng hiện có, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Phần mềm ERP tùy biến cũng mang lại tính linh hoạt và khả năng mở rộng, cho phép doanh nghiệp thay đổi và điều chỉnh hệ thống theo nhu cầu thực tế. Từ việc thêm mới chức năng, tùy chỉnh giao diện, đến mở rộng quy mô và tích hợp các module bổ sung, phần mềm ERP tùy biến đáp ứng sự phát triển và mở rộng của doanh nghiệp một cách linh hoạt.
Phần mềm ERP có sẵn
Phần mềm ERP có sẵn hoặc tạo sẵn (Readymade ERP software) là một gói phần mềm ERP được xây dựng từ trước với các khả năng nâng cao sẵn có và bạn có thể cấu hình giải pháp đó theo nhu cầu của mình. Phần mềm ERP dạng này sẵn sàng cung cấp một giải pháp tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho các doanh nghiệp.
Phần mềm ERP có sẵn giúp tiết kiệm thời gian triển khai hệ thống quản lý doanh nghiệp. Với một phần mềm đã được xây dựng và bảo đảm trước bởi nhà cung cấp, doanh nghiệp có thể bắt đầu triển khai ngay lập tức mà không cần mất thời gian dài để phát triển và tùy chỉnh. Điều này đặc biệt hữu ích khi doanh nghiệp cần một giải pháp nhanh chóng để tăng cường quy trình kinh doanh.
Phần mềm ERP có sẵn đã được phát triển và tối ưu hóa cho các quy trình kinh doanh phổ biến. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể sử dụng ngay mà không cần tiến hành nhiều tuỳ chỉnh. Phần mềm này thường đi kèm với các tính năng quản lý cơ bản như quản lý tài chính, quản lý kho hàng, quản lý nhân sự, và quản lý khách hàng, giúp doanh nghiệp bắt đầu quản lý một cách hiệu quả từ lần đầu sử dụng.
Một điểm cộng khác là phần mềm ERP có sẵn thường đi kèm với dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ nhà cung cấp. Điều này đảm bảo rằng doanh nghiệp có nguồn tư vấn và hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết. Từ việc hướng dẫn triển khai, tư vấn về quy trình sử dụng đến khắc phục sự cố, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật giúp đảm bảo rằng phần mềm ERP hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.
Tuy nhiên, nhược điểm của dạng phần mềm này có thể thấy rõ là khả năng tùy biến và cá nhân hóa không cao, doanh nghiệp có thể cần thay đổi quy trình kinh doanh của chính mình để phù hợp với phần mềm. Khả năng mở rộng cũng kém hơn khi so với các phần mềm tùy biến theo nhu cầu khi doanh nghiệp bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động.
Các loại phần mềm ERP dựa trên đặc điểm lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp
Bạn nên chọn ERP chung hay dành riêng cho lĩnh vực kinh doanh của mình? Đây là một điều quan trọng khác cần xem xét trước khi triển khai ERP của doanh nghiệp. Mặc dù một hệ thống ERP chung thường có chi phí triển khai hợp lý hơn, nhưng một hệ thống ERP dành riêng cho lĩnh vực kinh doanh có thể là một phương án mang lại nhiều lợi ích trong tương lai cho doanh nghiệp của bạn, vì một giải pháp như vậy cung cấp nhiều tính năng có thể đáp ứng nhu cầu của công ty.
Phần mềm ERP chung
Phần mềm ERP chung (Generic ERP software) cung cấp nhiều chức năng cho các tổ chức trong nhiều ngành. Các hệ thống chung có xu hướng cung cấp các công cụ quản lý tài chính và kế toán rất ổn, nhưng thường không cung cấp nhiều tính năng cho các hoạt động khác đặc thù của doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Một phần mềm ERP chung cực kỳ phù hợp khi là phần mềm đầu tiên được sử dụng trong các doanh nghiệp thuộc những thị trường ngách cũng như các doanh nghiệp có quy trình kinh doanh cơ bản. Ngoài ra, triển khai các phần mềm này thường có chi phí thấp hơn các hệ thống ERP dành riêng cho ngành.
Các module phổ biến có thể được tìm thấy ở trong hầu hết các phần ERP chung hiện nay là:
- Kế toán và quản lý tài chính
- Quản lý quan hệ khách hàng (CRM)
- Kinh doanh thông minh (BI)
- Báo cáo và phân tích
- Quản trị nguồn nhân lực (HRM)
- Quản lý hàng tồn kho
- Quản lý chuỗi cung ứng
- Lập kế hoạch và dự báo
- Sản xuất
Các nhà cung cấp nổi tiếng các phần mềm ERP chung như vậy có thể kể tên là Epicor ERP, Infor ERP, Odoo và SAP Business One. Cả bốn cái tên trên đều cung cấp một số tính năng dành riêng cho ngành mà bạn có thể thêm vào hệ thống của mình.
Phần mềm ERP theo ngành
ERP dành riêng cho ngành (Industry-specific ERP software), được thiết kế riêng cho một ngành cụ thể, như dịch vụ chuyên nghiệp hoặc phân phối. Chúng cung cấp các module và công cụ cơ bản cùng với việc bổ sung các tính năng cần thiết cho ngành của doanh nghiệp mà một phần mềm ERP chung không thể cung cấp.
Các phần mềm ERP dành riêng cho ngành có các tính năng và công cụ để hoàn thành các nhiệm vụ dành riêng cho một số ngành nhất định. Để thực hiện các tác vụ tương tự với giải pháp ERP chung, bạn có thể sẽ phải tích hợp ứng dụng của bên thứ ba hoặc phát triển phần mềm ngay từ giai đoạn đầu.
Các tập đoàn lớn và doanh nghiệp quy mô vừa thường phát triển phần mềm tùy chỉnh phù hợp với tất cả các quy trình và yêu cầu kinh doanh của họ. Một số công ty nhỏ hơn cũng đầu tư vào các phần mềm ERP tùy chỉnh nếu quy trình của họ là độc nhất hoặc khác so với quy trình cơ bản.
Các phần mềm ERP tốt nhất cho các ngành sản xuất là Microsoft Dynamics, Infor CloudSuite và QAD.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp có thể sử dụng Oracle NetSuite hoặc Microsoft Dynamics.
Microsoft Dynamics và Oracle NetSuite cũng được coi là những hệ thống ERP xuất sắc, có uy tín trong ngành phân phối, cùng với Sage Intacct.
Các loại phần mềm ERP dựa trên quy mô của doanh nghiệp
Phần mềm ERP dựa trên quy mô của doanh nghiệp được thiết kế để đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên doanh nghiệp theo quy mô khác nhau. Từ các doanh nghiệp nhỏ vừa đến các tập đoàn lớn, có nhiều loại phần mềm ERP phù hợp với quy mô của từng doanh nghiệp.
Phần mềm ERP dành cho doanh nghiệp nhỏ
Các doanh nghiệp nhỏ có ít hoạt động hơn các doanh nghiệp lớn, hoạt động đa quốc gia và do đó họ thường không cần một phần mềm mạnh mẽ với đầy đủ chức năng. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ thường không đủ khả năng tài chính để đầu tư nhiều vào hệ thống nội bộ. Do đó, họ thường chọn một phần mềm ERP gọn nhẹ, mặc dù nó có thể thiếu một số tính năng hoặc module, nhưng giá cả phải chăng hơn nhiều.
ERP dựa trên điện toán đám mây là một giải pháp tuyệt vời cho các công ty nhỏ. Nó có thể cung cấp các công cụ và tính năng ở mức cơ bản với chi phí trả trước thấp hơn nhiều so với phần mềm ERP tại chỗ. Bạn cũng không cần phải thuê một đội nhóm chuyên gia CNTT để bảo trì hệ thống, vì mọi thứ đều do nhà cung cấp thực hiện. Hơn nữa, các hệ thống ERP dựa trên điện toán đám mây sẽ không cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và cho phép bạn mở rộng trong tương lai cũng như thêm các tính năng và công cụ mới.
Các hệ thống ERP tốt nhất cho doanh nghiệp nhỏ bao gồm Odoo, Oracle Netsuite, Sage và Acumatica.
Odoo là một phần mềm ERP mạnh mẽ và linh hoạt, được phát triển để đáp ứng phù hợp các nhu cầu quản lý doanh nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Odoo cung cấp một loạt các tính năng và chức năng quản lý để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và tăng cường hiệu suất làm việc. Việc sở hữu một loạt các module mặc định đáp ứng hầu hết toàn bộ các yêu cầu quản trị doanh nghiệp cơ bản mà không cần phải thông qua tùy biến là một điểm cộng của Odoo.
Ngoài ra, Odoo được thiết kế với giao diện thân thiện và dễ sử dụng. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể nhanh chóng triển khai và sử dụng phần mềm ERP một cách hiệu quả mà không cần đào tạo phức tạp. Các chức năng và quy trình quản lý được tổ chức một cách rõ ràng và trực quan, giúp người dùng dễ dàng thích ứng và tận dụng được tối đa các tính năng của Odoo.
Thứ hai, Oracle Netsuite là một giải pháp có khả năng mở rộng tuyệt vời, có thể dễ dàng tùy chỉnh khi công ty phát triển về quy mô. Giải pháp này được phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên nhiều ngành công nghiệp. Netsuite cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực và giảm chi phí chuỗi cung ứng bằng cách tích hợp và tự động hóa các chức năng vận hành và tài chính quan trọng.
Thứ ba, Acumatica cung cấp một số tùy chọn ERP trên nền tảng điện toán đám mây trong phiên bản General Business Edition và trong các giải pháp dành riêng cho ngành khác như:
- Phiên bản cho ngành thương mại bán lẻ
- Phiên bản cho ngành sản xuất
- Phiên bản cho ngành xây dựng
- Phiên bản cho ngành phân phối
Phiên bản General Business của Acumatica cho phép bạn quản lý công ty của mình từ mọi nơi và cung cấp tất cả các công cụ thiết yếu để quản lý tài chính, báo cáo và quản lý quan hệ khách hàng.
Cuối cùng, Sage Business Cloud được thiết kế đặc biệt để phục vụ các doanh nghiệp nhỏ. Hệ thống cung cấp thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của một doanh nghiệp và có thể được cấu hình theo nhu cầu riêng trong ngành của công ty. Phần mềm ERP này có thể thích ứng với quy trình công việc của bạn, hợp lý hóa việc quản lý và cung cấp khả năng truy cập dữ liệu kinh doanh trên điện toán đám mây và di động an toàn.
Phần mềm ERP dành cho doanh nghiệp tầm trung
Các công ty tầm trung thường tìm kiếm các phần mềm ERP mới khi họ đã phát triển và mong muốn triển khai một hệ thống được kết nối có thể tự động hóa một số quy trình và cung cấp khả năng hiển thị tất cả dữ liệu kinh doanh một cách trực quan.
Nói chung, các tổ chức tầm trung không yêu cầu nhiều tùy chọn tùy chỉnh. Tuy nhiên thì đa số các trường hợp họ sẽ đều chọn một phần mềm ERP có thể tùy biến theo yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Trong các trường hợp khác, các công ty cỡ trung chỉ muốn tự động hóa nhiều hoạt động của họ để tăng hiệu quả và có khả năng hiển thị đầy đủ dữ liệu của họ.
Các tổ chức cỡ trung cũng có thể hưởng lợi rất nhiều từ các giải pháp ERP trên nền tảng điện toán đám mây. Các hệ thống ERP có uy tín nhất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa là Microsoft Dynamics 365 Business Central, Odoo, Oracle JD Edwards và Oracle NetSuite.
Microsoft Dynamics 365 Business Central được thiết kế dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần mềm ERP này cung cấp cho bạn một cái nhìn hợp lý toàn diện về toàn bộ doanh nghiệp của bạn và quy trình của nó. Nó cũng đẩy nhanh việc phân tích các báo cáo tài chính và tự động hóa các quy trình khác nhau.
Business Central là một hệ thống có thể thích ứng và được xây dựng để tăng cường các hoạt động khác nhau, từ dịch vụ khách hàng đến tối ưu hóa kho hàng.
Odoo với các phân hệ cơ bản được cài đặt mặc định trong hệ thống là vừa đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp tầm trung. Ngoài ra, việc là một nền tảng mã nguồn mở cho phép các doanh nghiệp thoải mái tùy biến, thêm và bớt các ứng dụng theo nhu cầu của mình. Từ việc thay đổi giao diện, tùy chỉnh quy trình, đến tích hợp các ứng dụng bên thứ ba, Odoo linh hoạt và dễ dàng để điều chỉnh và mở rộng theo sự phát triển của doanh nghiệp.
Oracle JD Edwards mang đến trải nghiệm người dùng đơn giản và hiện đại, đồng thời cho phép tổ chức của bạn hoạt động nhanh hơn và thông minh hơn nhờ các công nghệ kỹ thuật số tích hợp. Nền tảng này cũng cung cấp nhiều loại cơ sở dữ liệu và tùy chọn triển khai, bao gồm điện toán đám mây công cộng và riêng tư, tại chỗ và kết hợp. JD Edwards có hơn 80 module ứng dụng, khả năng cá nhân hóa và báo cáo.
Các chức năng phong phú và linh hoạt của Oracle NetSuite cho phép phần mềm ERP này thích ứng khi doanh nghiệp phát triển. Nền tảng được tích hợp sẵn các nghiệp vụ thông minh và cung cấp thông tin chi tiết về dữ liệu và quy trình quan trọng của công ty, giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu.
Phần mềm ERP dành cho doanh nghiệp lớn và tập đoàn
Các công ty, tập đoàn lớn thường sử dụng các loại phần mềm ERP tại chỗ hoặc kết hợp để có quyền kiểm soát không giới hạn đối với hệ thống của họ. Điều này cũng cho phép họ kết nối các phòng ban của công ty và chia sẻ thông tin với các địa điểm ở xa mà không bị gián đoạn bởi các giới hạn kỹ thuật. Do đó, nếu một công ty cần gửi các nhân sự của mình đến một quốc gia khác để làm việc cho một khách hàng nước ngoài, nhân viên đó vẫn có thể giữ quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu và công cụ mà họ cần trên phần mềm.
Các tập đoàn lớn được biết đến với việc phát triển các phần mềm ERP tùy chỉnh nội bộ của riêng họ hoặc đặt hàng các phần mềm tùy chỉnh từ các công ty phát triển có uy tín. Chẳng hạn, vào năm 2015, Tesla đã bỏ việc nâng cấp hệ thống cũ của họ và xây dựng một hệ thống ERP nội bộ tùy chỉnh chỉ trong bốn tháng.
Các hệ thống ERP phổ biến nhất cho các công ty và tập đoàn lớn bao gồm Odoo, SAP S/4HANA và Oracle ERP Cloud.
Odoo ERP là một phần mềm quản lý doanh nghiệp toàn diện cung cấp nhiều module hỗ trợ các chức năng kinh doanh khác nhau. Mặc dù Odoo được biết đến với tính linh hoạt và phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nhưng nó cũng có thể triển khai một cách hiệu quả cho các doanh nghiệp lớn và tập đoàn. Odoo ERP cung cấp tính linh hoạt trong việc tùy chỉnh các module, quy trình làm việc và báo cáo để phù hợp với yêu cầu kinh doanh cụ thể. Ngoài ra, Odoo cũng cung cấp API và kết nối để tích hợp với các hệ thống của bên thứ ba như CRM, HR hoặc nền tảng thương mại điện tử.
SAP S/4HANA là phần mềm có thể được xây dựng và phát triển theo phương pháp kết hợp: tại chỗ và trên điện toán đám mây. Phần mềm ERP này nhằm vào các tổ chức lớn hoặc cỡ vừa và do đó, nó có cấu trúc phức tạp để đáp ứng các yêu cầu của ngành. Các công nghệ thông minh của nó giúp tự động hóa các quy trình khác nhau, đồng thời kết nối các phân tích và báo cáo để cung cấp thông tin chi tiết chính xác giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định giúp công ty của họ hướng tới thành công và tăng trưởng.
Oracle ERP Cloud là một nền tảng Phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) và là một giải pháp có khả năng mở rộng tuyệt vời cho các doanh nghiệp lớn. Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể triển khai nó, nhưng các chuyên gia tư vấn khuyên rằng quy mô và giá của phần mềm ERP này có thể quá khả năng chi trả của họ.
Vì đây là phần mềm ERP hoạt động trên điện toán đám mây nên điều quan trọng là cần đảm bảo bảo mật dữ liệu. Oracle tuyên bố rằng phần mềm của họ có thể đảm bảo an toàn dữ liệu trong khi vẫn duy trì các tùy chọn triển khai linh hoạt và tạo ra cách tiếp cận đa lớp. Ngoài ra, phần mềm ERP này có rất nhiều phân hệ khác như báo cáo, phân tích, trải nghiệm người dùng và các công cụ tự động hóa.
Làm thế nào thế lựa chọn phần mềm ERP phù hợp nhất đối với doanh nghiệp?
Phần mềm ERP là một công cụ quản lý quan trọng cho doanh nghiệp. Việc lựa chọn phần mềm ERP phù hợp nhất đối với doanh nghiệp của bạn có thể là một quy trình phức tạp. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng cần xem xét để lựa chọn các loại phần mềm ERP phù hợp nhất cho doanh nghiệp.
Phân tích nhu cầu và yêu cầu
Trước khi lựa chọn phần mềm ERP, bạn cần phân tích rõ nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp. Xác định những quy trình kinh doanh cần được tối ưu hóa và các chức năng quản lý cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra phần mềm ERP có tính năng và tính linh hoạt phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Tính linh hoạt và tùy chỉnh
Phần mềm ERP cần có tính linh hoạt và khả năng tùy chỉnh để đáp ứng được yêu cầu đặc thù của doanh nghiệp. Khả năng tùy chỉnh quy trình, giao diện và báo cáo là điều quan trọng để phù hợp với các quy trình kinh doanh đặc thù của bạn. Hãy đảm bảo rằng phần mềm ERP có khả năng mở rộng và cung cấp các công cụ tùy chỉnh để phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.
Khả năng tích hợp
Phần mềm ERP cần có khả năng tích hợp với các hệ thống và ứng dụng khác trong doanh nghiệp. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc đồng bộ và tăng cường thông tin chia sẻ giữa các bộ phận.
Tính bảo mật và hỗ trợ kỹ thuật
Bảo mật dữ liệu là yếu tố quan trọng khi lựa chọn phần mềm ERP. Đảm bảo rằng phần mềm ERP có các biện pháp bảo mật như mã hóa dữ liệu, quản lý quyền truy cập và ghi nhật ký. Ngoài ra, hỗ trợ kỹ thuật chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự liên tục và ổn định của hệ thống.
Xem xét nguồn lực tài chính
Lựa chọn phần mềm ERP cũng cần xem xét nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Đừng chỉ nhìn vào giá cả ban đầu, mà hãy xem xét chi phí triển khai, bảo trì và nâng cấp trong dài hạn. Hãy đảm bảo rằng giá trị và lợi ích mà phần mềm ERP mang lại phù hợp với nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
Kết luận
Hiện tại, có rất nhiều các loại phần mềm ERP có sẵn trên thị trường với các module chuyên dụng có thể giúp doanh nghiệp tối đa hóa hiệu quả của quy trình kinh doanh và quản lý. Các bộ phần mềm dựa trên ứng dụng của điện toán đám mây như Odoo hay Oracle có thể tự động hóa, tích hợp và lưu trữ tất cả thông tin kinh doanh của bạn trong một hệ thống tập trung, cho phép bạn quản lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu trong toàn tổ chức theo thời gian thực. Hay các giải pháp ERP tại chỗ giúp bảo mật dữ liệu và tùy biến theo yêu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, còn rất nhiều cách phân loại các phần mềm ERP khác nhau nhưng thông qua bài viết này, chúng tôi hi vọng các bạn đã có những cái nhìn tổng quan về cách thức phân loại và xác định được đâu là phần mềm phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Quá trình lựa chọn đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn và phân vân bởi các phần mềm này đều có những điểm yếu và điểm mạnh riêng. Một số các tiêu chí liên quan tới kỹ thuật có thể không được hiểu rõ bởi nhiều doanh nghiệp. Lúc này, liên hệ với một nhà cung cấp giải pháp ERP là điều cần thiết để nhận được các tư vấn cụ thể. Magenest là một đơn vị uy tín với đội ngũ chuyên gia và nhà phát triển ERP nhiều năm kinh nghiệm, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của các doanh nghiệp. Liên hệ ngay với chúng tôi!