Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Online: Chiến lược 2024

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là một quá trình lâu dài và bền bỉ. Bạn cần thực hiện cẩn thận từng bước, từ việc phân tích đối thủ, tìm ra điểm mạnh riêng biệt của doanh nghiệp đến việc truyền thông thương hiệu. Điều này không hề dễ dàng, tuy nhiên khi thương hiệu đã được xây dựng thành công, bạn sẽ có vị thế vững chắc trên thị trường và được nhiều khách hàng biết đến.

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là gì?

Xây dựng thương hiệu (branding) là quá trình bạn tạo dựng hình ảnh cho doanh nghiệp của mình, làm cho chúng trở nên gần gũi, thân thiện và khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Khi khách hàng cảm thấy tin tưởng, sử dụng sản phẩm và gắn bó với thương hiệu của bạn thì đó là lúc bạn xây dựng thương hiệu công ty thành công. Sau đây là một số ý tưởng xây dựng thương hiệu mà bạn có thể tham khảo.

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là gì?

Hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu

Trước khi bắt đầu thực hiện, bạn cần xây dựng chiến lược cho mình. Một chiến lược xây dựng hoàn hảo có thể bắt đầu từ những bước sau đây.

Tìm cảm hứng từ các thương hiệu khác

Hãy dành thời gian để xem xét những gì đối thủ cạnh tranh của bạn đang làm. Cụ thể là ở những khía cạnh sau:

  • Nhận dạng thương hiệu: Cách thương hiệu được truyền tải.
  • Cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ: Chất lượng, tính năng, lợi ích.
  • Trải nghiệm người dùng: Cách chăm sóc, hướng dẫn khách hàng. 
  • Nội dung truyền thông: Blog, Video, thông điệp.
  • Phương tiện truyền thông xã hội: Quy mô, mức độ tương tác, tần suất đăng bài.
  • Quảng cáo: Kênh quảng cáo, hiệu quả.

Hãy ghi nhận những điểm tốt và những điểm chưa tốt mà đối thủ đang làm. Từ đó, hãy nghĩ cách để tối ưu và làm tốt hơn đối thủ.

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp dựa trên chân dung khách hàng

Một trong những điều khó khăn đối với việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là chọn đúng khách hàng mục tiêu. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn xây dựng chân dung khách hàng của mình.

Nếu doanh nghiệp của bạn có quá ít hoặc không có dữ liệu bán hàng, thì việc xem xét các đối thủ cạnh tranh và đưa ra các giả định có cơ sở sẽ giúp ích cho bạn. Hãy tìm hiểu những người thường xuyên tương tác hoặc bình luận mua hàng dưới bài đăng của đối thủ. Nếu doanh nghiệp của bạn đã có thông tin khách hàng thì hãy dùng dữ liệu này để bắt đầu phân tích. Việc của bạn là tìm điểm chung của khách hàng về các khía cạnh:

  • Độ tuổi.
  • Giới tính.
  • Khu vực sinh sống.
  • Thu nhập trung bình.
  • Tần suất mua hàng.
  • Thời điểm mua hàng.
  • Những câu hỏi thường gặp.

Việc tạo ra một chân dung khách hàng sẽ đảm bảo rằng bạn có thể phát triển các ý tưởng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu chính xác của họ.

Phát triển thương hiệu doanh nghiệp

Sau khi đã định hình được thương hiệu, bạn sẽ bắt đầu với những bước đầu tiên.

Thiết kế một Logo chuyên nghiệp

Dù bạn kinh doanh với quy mô nào thì đều cần thiết kế một Logo chuyên nghiệp. Bạn có thể thuê đơn vị chuyên thiết kế Logo thực hiện điều này hoặc tự làm. Một số công cụ trực tuyến sẽ giúp bạn thiết kế Logo miễn phí, có thể kể đến như Logo Maker của Zyro, Visme, Oberlo, Canva, FreeLogoDesign. Sau khi thiết kế, bạn cần ghi nhớ những mã màu đã sử dụng để dùng cho những thiết kế hình ảnh sau này.

Thông điệp nhất quán

Hãy lựa chọn một phong cách, một giọng văn xuyên suốt cho mọi thông điệp mà bạn truyền đi. Lưu ý rằng điều này phải phù hợp với đối tượng khách hàng mà bạn hướng đến. Đối với một thương hiệu kinh doanh tài chính, chẳng hạn như một công ty kế toán, bạn nên chọn phong cách trang trọng, chuyên nghiệp. Hoặc nếu bạn kinh doanh thời gian cho giới trẻ thì có thể chọn phong cách vui vẻ, hài hước, thoải mái. Điều quan trọng là bạn cần áp dụng phong cách này để truyền tải thông điệp trên tất cả các kênh truyền thông. Khi đó khách hàng sẽ cảm thấy quen thuộc và dễ dàng nhận ra thương hiệu của bạn.

Phát triển thương hiệu doanh nghiệp

Phát triển văn hóa kinh doanh

Để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thành công thì văn hóa công ty là điều bạn cần quan tâm. Bạn đối xử với nhân viên thế nào thì họ sẽ đối xử với khách hàng như thế đó. Vì thế, hãy tập trung xây dựng văn hóa chuyên nghiệp, tử tế, tận tâm để nhân viên lan truyền những giá trị tốt đẹp này đến khách hàng. Đây chính là sự khác biệt để có được thành công lâu dài trong việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu trên Internet

Tận dụng mạng truyền thông để xây dựng thương hiệu sản phẩm luôn là một cách làm khôn ngoan. Và những kênh truyền thông thường được dùng để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp chính là Youtube và Facebook.

Xây dựng thương hiệu Youtube

Youtube là một nền tảng sáng tạo và chia sẻ Video. Do đó, khi chọn kênh này, bạn cần lưu ý những điều sau đây.

Xây dựng thương hiệu trên Internet

Nội dung Video

Đây là điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý. Khi xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trên một kênh truyền thông, đừng chỉ tập trung vào những nội dung quảng cáo sản phẩm hoặc giới thiệu công ty. Hãy đem đến những nội dung thật sự ý nghĩa cho người xem. Ví dụ, bạn có thể làm một chuỗi video giải đáp tất cả những thắc mắc mà khách hàng thường hỏi. Nếu bạn bán quần áo thời trang, hãy làm thêm những video hướng dẫn phối đồ hoặc lựa chọn đồ theo vóc dáng,… Nếu bạn bán mỹ phẩm, hãy làm thêm những video hướng dẫn Makeup hoặc chăm sóc da. Nếu video của bạn đem đến những giá trị thiết thực thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người quan tâm.

Video giới thiệu kênh

YouTube cho phép bạn chọn một video để đánh dấu ở đầu trang chủ YouTube, bên dưới là những dòng giới thiệu ngắn gọn. Đây là một cơ hội tuyệt vời để giới thiệu doanh nghiệp của mình. Hãy trau chuốt cho video này thật ấn tượng, cũng như miêu tả rõ nội dung của kênh. Đây là cách để thu hút người đăng ký mới và gây ấn tượng với khách hàng tiềm năng của bạn ngay từ đầu.

Hình ảnh trên kênh

Những hình ảnh đại diện cho thương hiệu và dễ dàng gây ấn tượng với người xem như ảnh đại diện, ảnh bìa, ảnh thumbnail cần đồng bộ. Bạn nên áp dụng một bảng màu và phong cách thiết kế xuyên suốt cho những hình ảnh này. Việc có bộ nhận diện ấn tượng và đồng bộ trên với các nội dung video sẽ làm tăng mức độ nhận diện thương hiệu của bạn.

Danh sách phát

Tiếp theo, để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trên Youtube, bạn cần quan tâm đến danh sách phát. Danh sách phát rất quan trọng nhưng không phải ai cũng tận dụng tính năng này. Danh sách phát sẽ giúp người xem nắm được tổng quát nội dung kênh mà không cần phải xem hết tất cả các video. Chỉ cần nhóm tất cả các video có cùng nội dung vào chung một danh sách, bạn đã tối ưu kênh của mình hơn rất nhiều. Ví dụ, doanh nghiệp của bạn kinh doanh mỹ phẩm, bạn có thể nhóm các video phân tích từng sản phẩm vào một nhóm, những video dạy Makeup vào một nhóm khác và đặt tên cho chúng. Chỉ cần như vậy thôi bạn đã tiết kiệm rất nhiều thời gian của người xem. Thứ tự danh sách phát cũng rất quan trọng. Danh sách đầu tiên phải là nội dung đem lại nhiều giá trị nhất trên kênh của bạn. 

Xây dựng thương hiệu trên Facebook

Khác với Youtube, kênh Facebook cho phép bạn tương tác và kết nối nhiều hơn với khách hàng tiềm năng. Do đó, để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, bạn cần lưu ý những điều sau.

Xây dựng thương hiệu trên Facebook

Sử dụng ảnh bìa chuyên nghiệp

Bạn có thể sử dụng một ảnh, nhiều ảnh hoặc video để đặt vào vị trí ảnh bìa trên trang Fanpage. Bạn nên đầu tư thiết kế một hình ảnh thật chỉnh chu, chuyên nghiệp vì đây là ấn tượng đầu tiên mà khách hàng có được khi truy cập Fanpage của bạn. Bạn nên sử dụng bảng màu và phong cách thiết kế đồng nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi ảnh bìa tùy theo chương trình khuyến mãi hay ưu đãi hàng tháng.

Cung cấp nội dung chất lượng

Thông điệp bạn đưa ra, ngoài tính nhất quán trong giọng văn và phong cách thiết kế hình ảnh thì còn phải chất lượng. Nếu không, khách hàng sẽ bỏ theo dõi các bài đăng của trang và rất khó để bạn tiếp cận đến họ lần nữa. Ngoài những bài đăng giới thiệu sản phẩm và chia sẻ thông tin hữu ích, hãy sáng tạo thêm những bài đăng hài hước theo xu hướng. Những nội dung ấn tượng, sáng tạo sẽ khiến khách hàng thích thú. Và khi họ chia sẻ những bài đăng này, thương hiệu của bạn sẽ được lan tỏa.

Lắng nghe và tương tác

Việc bạn chỉ tạo Fanpage và bắt đầu chia sẻ nội dung là chưa đủ để xây dựng thương hiệu. Ngoài việc tạo ra những nội dung giá trị, bạn còn cần phải lắng nghe ý kiến khách hàng. Hãy tìm hiểu xem họ đang quan tâm điều gì, mong đợi điều gì từ bạn. Hãy thường xuyên tương tác với khách hàng, hỏi những câu hỏi mở để lắng nghe họ chia sẻ. Đối với những khách mua hàng qua Facebook, bạn hãy xin ý kiến phản hồi của họ, hỏi xem họ có hài lòng không, có gặp khó khăn gì trong quá trình sử dụng không. Chính điều này sẽ đem đến thiện cảm cho khách hàng. Và khi họ gắn bó với sản phẩm của bạn, thậm chí là giới thiệu cho người khác sử dụng, đó chính là lúc bạn xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thành công. 

Xây dựng thương hiệu trên Instagram

Instagram được biết đến như một nền tảng chia sẻ hình ảnh chất lượng. Do đó, để xây dựng thương hiệu trên Instagram, bạn cần lưu ý những điều sau.

Hình ảnh chất lượng 

Instagram là một kênh thích hợp để bạn chia sẻ hình ảnh sản phẩm. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo hình ảnh phải được chụp đúng bố cục, rõ nét và mang phong cách riêng. Giữa hàng triệu bức ảnh được đăng tải trên Instagram mỗi ngày, thương hiệu của bạn sẽ trở nên mờ nhạt nếu hình ảnh không được đầu tư đúng mức. Instagram cũng cung cấp cho bạn những bộ lọc có sẵn để giúp bạn chỉnh sửa hình ảnh dễ dàng. Các tùy chọn nâng cao để cải thiện độ sáng, độ tương phản và các thông số khác của hình ảnh cũng được trang bị sẵn cho bạn.

Sử dụng Hashtag phù hợp

Việc sử dụng hashtag trên Instagram sẽ giúp khách hàng dễ dàng tìm đến doanh nghiệp của bạn. Bạn nên sử dụng những hashtag theo xu hướng và những hashtag liên quan trực tiếp đến sản phẩm của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên lạm dụng gắn quá nhiều hashtag. Điều này sẽ khiến Instagram không hiểu nội dung bài đăng để phân phối chúng đến đúng đối tượng mục tiêu mà bạn hướng đến.  

Theo dõi khách hàng

Hãy kết nối với tất cả những người đang theo dõi bạn bằng cách theo dõi lại họ và thường xuyên tương tác với bài đăng của họ. Điều này tạo nên sự gắn kết giữa thương hiệu của bạn với khách hàng tiềm năng, giúp khách hàng có một cái nhìn thiện cảm và tích cực về thương hiệu của bạn. Việc tương tác này cũng giúp bạn thu hút thêm nhiều lượt theo dõi khác, giúp thương hiệu của bạn được lan tỏa mà không tốn chi phí quảng cáo.

Lời kết

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là một quá trình bền bỉ và không đơn giản. Do đó, nếu bạn có nhiều ngân sách, bạn có thể thuê các công ty xây dựng thương hiệu. Đây là những đơn vị có đủ chuyên môn và nguồn nhân lực để giúp cho thương hiệu của bạn xây dựng và lan tỏa. Tuy nhiên, bạn cũng cần tìm hiểu thật kỹ trước khi chọn được một đơn vị uy tín. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc, hãy để lại bình luận bên dưới, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Bài viết mới nhất

Kinh doanh B2B: từ truyền thống đến thương mại điện tử

Đăng ký theo dõi bản tin của Magenest để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin hữu ích nào!

Lưu ý: Bằng việc cung cấp thông tin liên hệ cho chúng tôi, quý vị đã đồng ý nhận tin tức và các thông tin ưu đãi từ Magenest.

Dẫn đầu cuộc chơi
thương mại điện tử B2B
eBook giúp doanh nghiệp B2B triển khai thành công chiến lược TMĐT, gia tăng sự hài lòng của khách hàng và tăng trưởng doanh thu bền vững.