Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, tạo bước đà cho các doanh nghiệp vươn mình ra thế giới, mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, do những thách thức đến từ thanh toán, logistics, quy định và luật pháp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó trong lĩnh vực này. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt phát triển trên thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới?
Mục lục
Thương mại điện tử xuyên biên giới là gì?
Thương mại điện tử xuyên biên giới (hay Cross-Border eCommerce), còn có tên gọi khác là thương mại điện tử quốc tế hoặc thương mại điện tử toàn cầu. Đây chính là quá trình mua bán, giao dịch và trao đổi hàng hóa, sản phẩm – dịch vụ thông qua mạng Internet giữa nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Thương mại điện tử xuyên biên giới cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tiến hành các hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến trên phạm vi quốc tế.
Trong hình thức thương mại điện tử toàn cầu, doanh nghiệp có thể kinh doanh thông qua website, cửa hàng trực tuyến hoặc các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể được thực hiện ở cả ba hình thức là B2B, B2C và C2C.
Những thách thức của thương mại điện tử xuyên biên giới
Sau đây, Magenest sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu chi tiết về những thách thức của thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam nói riêng nhé!
Gian lận thanh toán
Gian lận thanh toán là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện hoạt động thương mại điện tử đa quốc gia. Để hạn chế gian lận thẻ tín dụng, hầu hết nhà kinh doanh sẽ kích hoạt AVS hoặc hệ thống xác minh địa chỉ, cho phép người mua sử dụng thẻ tín dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp nên kiểm tra ký IP và địa chỉ thẻ tín dụng có khớp nhau hay không nhằm tránh các rủi ro thanh toán.
Các vấn đề logistics
Khi kinh doanh đa quốc gia, logistics và logistics ngược là những thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp do chi phí vận chuyển cao, các loại thuế và quy tắc xuất nhập khẩu phức tạp, rủi ro do các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh khiến hàng hóa không đến tay khách đúng thời gian dự tính.
Thách thức đầu tiên của thương mại điện tử xuyên biên giới chính là các vấn đề logistics.
Doanh nghiệp cần phân tích và đưa ra dự báo về những vấn đề khó khăn, thách thức, rủi ro có thể xảy ra để kịp thời xây dựng cho mình những giải pháp để xử lý phù hợp với các tình huống đó. Không những vậy, các quy định này có thể sẽ liên tục thay đổi và trở nên phức tạp theo từng quốc gia khác nhau, do đó, doanh nghiệp cần có đầy đủ hiểu biết sâu về mọi quy định về thuế, vận chuyển và hải quan cũng như nhận những sự hỗ trợ từ phía các chuyên gia pháp lý cùng các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Quy định và luật pháp
Thuế, giấy phép và thủ tục hải quan là những tài liệu mà mọi doanh nghiệp kinh doanh xuyên biên giới phải nắm chắc. Ngoài ra, công ty cần biết đến những quy định và luật pháp khác liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa, hình thức giao hàng, thanh toán nhằm tránh những rủi ro khi vận chuyển sang quốc gia khác. Nhà quản lý có thể thuê một bên thứ ba chuyên tư vấn luật pháp quốc tế để biết rõ về những chính sách, luật lệ trong thương mại đa quốc gia.
Quy định về bảo vệ người tiêu dùng
Thương mại điện tử toàn cầu yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng các quy định bảo vệ người tiêu dùng bao gồm: những quy định đảm bảo chất lượng hàng hóa, quy định bảo hành sản phẩm cũng như xử lý các tranh chấp với những tiêu chuẩn có nhiều điểm khác nhau giữa các quốc gia. Doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định này và cam kết cung cấp các sản phẩm – dịch vụ đáp ứng đúng mọi tiêu chuẩn an toàn chất lượng của các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Quy định về bản quyền – thương hiệu và sở hữu trí tuệ
Thương mại điện tử toàn cầu còn đặc biệt yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng các quy định liên quan đến bản quyền – thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Chúng ta cần đảm bảo việc sử dụng mọi loại tài sản trí tuệ đều không vi phạm và tuân thủ chặt chẽ quy định của mỗi quốc gia khác nhau trên thế giới.
Bảo mật và riêng tư
Thương mại điện tử xuyên biên giới còn đặt ra cho doanh nghiệp nhiều thách thức về bảo mật thông tin – dữ liệu và sự an toàn riêng tư của khách hàng. Các hoạt động giao dịch online đòi hỏi sự đảm bảo về an toàn bảo mật mọi thông tin cá nhân, các dữ liệu về tài khoản và lịch sử thanh toán của khách hàng.
Khi tiến hành các giao dịch trực tuyến, thông tin chi tiết của cá nhân cùng tài khoản ngân hàng thanh toán của khách hàng có thể bị xâm phạm bởi tin tặc hoặc các tội phạm mạng. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần sử dụng những công nghệ mã hóa dữ liệu tiên tiến nhất nhằm đảm bảo an ninh toàn hệ thống và liên tục thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, phát hiện sự xâm nhập trái phép. Đầu tư vào hệ thống an toàn bảo mật ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ đảm bảo sự tin tưởng và an tâm hơn cho khách hàng khi mua sắm xuyên biên giới.
Thực trạng thương mại điện tử xuyên biên giới tại thế giới và Việt Nam
Thương mại điện tử trên thế giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia phát triển. Điển hình là Trung Quốc khi tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử tại nước này đã tăng theo cấp số nhân trong 10 năm gần đây. Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT (tương đương 251 tỷ USD), tăng 31,1% so với năm trước.
Tại các thị trường EU, số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho biết doanh số thương mại điện tử đa quốc gia của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro. Con số này chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.
Theo số liệu Statista, tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm 2025 dự kiến đạt 234 tỷ USD.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của Thương mại điện tử đạt mức 18%, tổng quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng TMĐT 2 con số (theo Sách trắng Thương mại điện tử). Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Theo một báo cáo của Tập đoàn AlphaBet, khoảng 10 triệu sản phẩm nguồn gốc Made-in-Vietnam đã và đang được bán ra cho rất nhiều khách hàng của nền tảng Amazon trên quy mô toàn cầu. Vượt qua những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19 cùng sự suy thoái mạnh của nền kinh tế toàn cầu, trong năm 2022, số lượng những nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tiếp tục tăng trưởng và đạt hơn 80% so với cùng kỳ vào năm 2021.
Không những vậy, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng vượt bậc. Theo nghiên cứu mới nhất từ Access Partnership, vào năm 2027, doanh thu xuất khẩu của thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt khoảng 296,3 nghìn tỷ đồng nếu những doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ đầy đủ cũng như đẩy mạnh tốc độ áp dụng thương mại điện tử cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm – dịch vụ.
Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì trên thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới
Nắm rõ các quy định và luật pháp
Mặc dù thương mại điện tử đa quốc gia tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới nhưng mỗi thị trường thì lại có những quy định, yêu cầu khác nhau về chất lượng sản phẩm, cách thức giao dịch…. Để có thể triển khai được thương mại điện tử đa quốc gia một cách hiệu quả đòi hỏi doanh nghiệp cần nắm rõ những yêu cầu này.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng
Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ cần đầu tư nghiên cứu về thị trường nước ngoài nhằm đáp ứng đúng nhu cầu, mong muốn, sở thích và tâm lý của người tiêu dùng quốc tế. Chúng ta cần rèn luyện đầy đủ các kỹ năng và cập nhật thêm nhiều kiến thức về Marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới và đặc biệt là xây dựng những định hướng cùng chiến lược kinh doanh toàn cầu dài hạn.
Áp dụng công nghệ
Doanh nghiệp cần nắm rõ tất cả các bước quy trình vận hành logistics, bao gồm từ xử lý đơn hàng, quản lý hàng tồn cho đến vận chuyển và bảo quản hàng hóa. Để làm được điều này, các công ty cần áp dụng các công nghệ như hệ thống ERP nhằm quản lý và đồng bộ hóa dữ liệu, tự động hóa các hoạt động quản lý đơn hàng, quản lý tình trạng hàng tồn và vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, từ đó giảm thiểu rủi ro.
Tối ưu chi phí logistics
Hơn nữa, việc tính toán các phương án logistics sao cho tối ưu chi phí để có giá bán cạnh tranh cũng là một trong những vấn đề quan trọng khi phân phối hàng hóa tại thị trường quốc tế. Doanh nghiệp có thể tập trung hàng hóa vào một kho, lựa chọn một đối tác cung cấp dịch vụ logistic toàn diện từ lưu kho đến vận chuyển, tự động hóa quy trình xử lý đơn hàng,…
Kết luận
Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành phương thức kinh doanh nổi bật hiện nay, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, việc kinh doanh trực tuyến đa quốc gia yêu cầu các công ty cần chuẩn bị cho mình những kiến thức sâu rộng về thị trường, luật pháp, các công cụ công nghệ và xây dựng phương pháp logistics tối ưu nhất.
Để tìm hiểu thêm về các thông tin liên quan đến thương mại điện tử và công nghệ, hãy đăng ký theo dõi Magenest!