Chiến lược eCommerce Branding (xây dựng thương hiệu trực tuyến) là một phần tất yếu trong việc kinh doanh Online. Mọi người thường nhầm lẫn giữa thương hiệu với Logo. Thật ra Logo chỉ là một phần của thương hiệu. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như màu sắc, thông điệp, hình ảnh và sản phẩm. Các yếu tố này quyết định cách nhìn của khách hàng về thương hiệu của bạn. Nhiều công ty cảm thấy bất lực trước suy nghĩ của khách hàng về thương hiệu của họ, nhưng trên thực tế, bạn mới chính là người quyết định doanh nghiệp của bạn sẽ được nhìn nhận và ghi nhớ như thế nào.
Mục lục
Chiến lược Ecommerce Branding là gì?
Chiến lược eCommerce Branding hay còn được gọi là chiến lược xây dựng thương hiệu trực tuyến trên thị trường thương mại điện tử. Đây là quá trình tạo ra nhận thức tích cực về doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng, thường được xây dựng bằng cách kết hợp các yếu tố như logo, hình ảnh, thông điệp nhất quán trong tất cả các hoạt động truyền thông tiếp thị. Xây dựng thương hiệu hiệu quả giúp các công ty trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và giữ chân khách hàng dễ dàng.
Xây dựng thương hiệu tại cửa hàng có thể rất khác so với xây dựng thương hiệu trực tuyến. Việc xây dựng thương hiệu tại cửa hàng mang lại nhiều trải nghiệm hơn vì khách hàng có thể đi lại xung quanh và lựa chọn sản phẩm, trong khi khách hàng trực tuyến hàng ngày tiếp nhận cùng lúc nhiều luồng thông tin khác nhau nên rất khó để khiến họ chú ý đến thương hiệu của bạn. Vì thế, lập chiến lược eCommerce Branding là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa kênh.
Xây dựng và phát triển thương hiệu Ecommerce
Chiến lược eCommerce Branding có rất nhiều bước nhưng không quá phức tạp. Điều quan trọng là bạn phải đưa ra các tiêu chuẩn thương hiệu để duy trì sự nhất quán. Đây là những cách đơn giản giúp bạn xây dựng thương hiệu ngay từ giai đoạn mới thành lập.
Phân tích khách hàng tiềm năng
Để bắt đầu, điều quan trọng là phải biết khách hàng của bạn là ai. Tất cả các yếu tố xây dựng thương hiệu của bạn sẽ xoay quanh khách hàng. Đây là nền tảng tạo nên sự thành công cho chiến lược xây dựng thương hiệu.
Bạn có thể tập hợp thông tin khách hàng bằng cách quan sát những người thường tương tác hoặc để lại bình luận trên bài đăng của đối thủ. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng công cụ Google Analytics để phân tích những người đã vào Website của bạn. Bạn cần tập hợp được những thông tin như giới tính, tuổi tác sở thích, học vấn, chức danh, thu nhập, mối quan hệ, ngôn ngữ, nơi sống, lý do họ mua hàng và các thắc mắc về sản phẩm của bạn. Bạn càng thu thập được nhiều thông tin thì càng tốt. Với kiến thức này, bạn có thể đoán trước nhu cầu của họ và lựa chọn thông điệp, thiết kế, cách tiếp cận, nền tảng phù hợp.
Tạo tên thương hiệu
Tên thương hiệu trên nền tảng thương mại điện tử là một yếu tố quan trọng. Tên thương hiệu của bạn nên gắn liền với sản phẩm mà bạn kinh doanh cũng như mang dấu ấn riêng của bạn. Nó sẽ cho biết bạn là ai và bạn làm gì. Nếu được chọn đúng, nó sẽ thu hút khách hàng, chuyển đổi họ và giữ chân họ. Tên thương hiệu cần ngắn gọn, dễ đọc, dễ liên tưởng và ghi nhớ. Ví dụ như thương hiệu sữa Vinamilk, được ghép từ “Vina” và “Milk” mang hàm ý sữa Việt Nam, hoặc nước tăng lực 247, hàm ý giúp người uống tăng năng suất làm việc suốt 24 giờ và 7 ngày trong tuần.
Thiết lập tính cách thương hiệu
Để thiết lập tính cách thương hiệu, hãy bắt đầu bằng cách phân tích tính cách của khách hàng. Đối tượng của bạn là ai? Cách giao tiếp của họ như thế nào? Tìm hiểu thêm về ngôn ngữ của họ bằng cách xem cách họ nói chuyện trong các bài đăng của bạn. Ngoài ra, hãy xem xét ngôn ngữ mà đối thủ cạnh tranh của bạn sử dụng. Hãy nói theo cách mà khách hàng giao tiếp, bạn sẽ tăng khả năng tương tác của họ.
Thiết lập hình ảnh cho chiến lược Ecommerce Branding
Hình ảnh đặc biệt quan trọng trong chiến lược eCommerce Branding vì khi mua sắm trực tuyến, mọi người không thể chạm hoặc cảm nhận sản phẩm. Bạn chỉ có thể sử dụng hình ảnh để thuyết phục họ mua hàng. Hình ảnh bao gồm Logo, kiểu chữ cho đến phong cách thiết kế, chụp ảnh sản phẩm.
Cách thiết kế logo
Có bảy loại logo khác nhau và sau đây là một vài ví dụ
- Lồng chữ (hoặc chữ viết tắt): Bao gồm các chữ cái, thường là tên viết tắt của thương hiệu, ví dụ như: NASA, HBO.
- Dấu ấn (hoặc biểu trưng): Là một Logo dựa trên phông chữ chỉ tập trung vào một tên doanh nghiệp, ví dụ như: Coca-Cola, Google.
- Biểu tượng: Bao gồm phông chữ bên trong một biểu tượng như phù hiệu, con dấu và vương miện. Ví dụ như biểu tượng nàng tiên cá của Starbucks, hay huy hiệu nổi tiếng của Harley-Davidson.
- Dấu hiệu hình ảnh: Là một biểu tượng hoặc Logo dựa trên đồ họa như hình trái táo khuyết của Apple hay hình con chim của Twitter.
- Trừu tượng: Là một dạng hình học trừu tượng đại diện cho doanh nghiệp ví dụ như Pepsi, Adidas.
- Logo nhân vật: Thường liên quan đến một nhân vật minh họa ví dụ như KFC.
- Logo kết hợp: Là một Logo kết hợp giữa chữ cái và hình ảnh, trừu tượng hoặc linh vật như Burger King, Lacoste.
Logo của bạn cần truyền tải được thông điệp của thương hiệu và phải đơn giản, dễ nhớ, sử dụng lâu dài cùng thời gian. Mọi người sẽ bắt đầu nhận diện thương hiệu của bạn bằng Logo, đó là lý do tại sao nó cần phải đơn giản và dễ nhớ. Và nó phải bền vững cùng thời gian, không mang tính xu hướng ngắn hạn vì mục tiêu của bạn là tạo ra một thương hiệu thương mại điện tử lâu dài.
Chọn một bảng màu
Bảng màu của bạn sẽ có từ 3-5 màu và sẽ gợi lên những phản ứng cảm xúc phù hợp. Mỗi màu có một ý nghĩa khác nhau, ngoài ra một số ngành có tính tương hợp cao hơn đối với một số màu nhất định. Ví dụ, màu cam được sử dụng nếu một thương hiệu muốn được nhìn nhận là thân thiện và vui vẻ; và màu xanh lá cây là màu của sự phát triển và sức khỏe, các thương hiệu ngành hàng ẩm thực thường sử dụng màu đỏ cho thương hiệu của mình… Vì vậy, hãy lựa chọn màu sắc một cách khôn ngoan.
Kiểu chữ
Kiểu chữ của bạn phải phù hợp với tính cách thương hiệu. Chọn một số phông chữ cho phần thiết kế Website và các thiết kế hình ảnh. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng các phông chữ serif và sans serif một cách thích hợp. Phông chữ serif là kiểu cũ, nhưng dễ đọc hơn khi có nhiều văn bản và phông chữ sans serif hiện đại, sẽ dễ đọc với văn bản ngắn.
Hình ảnh
Hãy đảm bảo tính nhất quán cho hình ảnh sản phẩm của bạn. Bạn có thể chụp ảnh sản phẩm trên nền trắng hoặc sử dụng toàn bộ cảnh làm nền cho hình ảnh, miễn là chúng đồng bộ cho các ảnh. Có một số công cụ miễn phí giúp bạn thiết kế hình ảnh đơn giản, ví dụ như 9designs, Fiverr, Canva,…
Xây dựng nội dung
Nội dung sẽ giúp nhân cách hóa thương hiệu của bạn và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Hãy tương tác với họ, giữ đúng tính cách thương hiệu của bạn, trên phương tiện truyền thông xã hội cho dù đó là lúc bạn viết nội dung bài đăng, trả lời bình luận hoặc tư vấn riêng với khách hàng.
Nội dung hữu ích, có liên quan, chẳng hạn như Video demo hoặc giải thích sản phẩm hoặc nội dung so sánh sản phẩm đều cho thấy bạn quan tâm đến nhu cầu trải nghiệm của khách. Hãy duy trì mức độ liên quan bằng cách kiểm tra thường xuyên để xem liệu nội dung của bạn có thu hút khách tương tác hay không.
KOL – Người nổi tiếng
Khi bạn lựa chọn xây dựng chiến lược eCommerce Branding bằng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, bạn cần chọn những người phù hợp với thương hiệu và khách hàng mục tiêu của bạn. Ví dụ, bạn đang xây dựng một cửa hàng thương mại điện tử nhắm mục tiêu đến người lớn trong độ tuổi trên 50 thì bạn rõ ràng không nên chọn những KOL trên TikTok.
Bước tạo lập đầu tiên hãy xác định là thương hiệu của bạn cần nhất quán cho dù khách hàng gặp doanh nghiệp của bạn ở đâu. Sự nhất quán đó sẽ giúp khách hàng của bạn biết đến và cuối cùng là bắt đầu tin tưởng thương hiệu của bạn.
Tạo lập thương hiệu trực tuyến
Khi bạn bắt đầu tạo lập chiến lược thương hiệu của mình, điều quan trọng là phải suy nghĩ về cách bạn sẽ xây dựng thương hiệu trên các nền tảng khác nhau, bao gồm:
Thiết kế Website
Website là một đại diện rõ nét cho thương hiệu của bạn. Một Website hoàn chỉnh cần thống nhất và hài hòa tất cả các yếu tố như màu sắc, phông chữ, phong cách hình ảnh, giọng văn,… Hãy đem đến cho khách hàng trải nghiệm khi họ nhấp vào một trang web giống như bước vào một cửa hàng thực tế.
Website eCommerce phải được xây dựng để hỗ trợ tối đa cho quá trình mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ. Điều này có nghĩa là Website không chỉ là nơi quảng bá thương hiệu để khách hàng tìm đến mà phải đảm bảo được tương tác giữa người bán và người mua. Do đó, Website cần được tích hợp tính năng cơ bản như: Chat để tư vấn khách hàng, thêm hàng hóa vào giỏ hàng và thanh toán trực tuyến. Luồng thanh toán này cần được tối ưu tốt nhất có thể, vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa đầy đủ thông tin giao dịch.
Các kênh truyền thông mạng xã hội
Một số kênh phổ biến có thể kể đến như Facebook, Instagram, TikTok, Youtube, Email, Báo chí,… Dù bạn sử dụng kênh nào thì đều phải đảm bảo các yếu tố tạo nên thương hiệu được thống nhất. Ví dụ, nếu bạn sử dụng giọng văn vui vẻ, hài hước trên trang Website của mình, hãy đảm bảo giọng văn đó cũng sẽ xuất hiện trong các Email và bài đăng trên mạng xã hội của bạn. Nếu không thì khách hàng sẽ cảm thấy lạ lẫm và khó kết nối với thương hiệu.
Tương tự, nếu bạn sử dụng một bảng màu cụ thể trong thiết kế Website của mình, bạn nên sử dụng những màu đó để tạo Email và hình ảnh trên mạng xã hội. Sự nhất quán này sẽ thúc đẩy quá trình nhận diện thương hiệu, khiến khách hàng từng bước cảm thấy quen thuộc và tin tưởng vào thương hiệu của bạn hơn.
Lời kết
Chiến lược eCommerce Branding không chỉ đơn giản là Logo và các sản phẩm. Hơn nữa, đó còn là màu sắc, kiểu chữ, phong cách viết bài, phong cách thiết kế, chụp hình sản phẩm. Bằng cách này, bạn có thể kiểm soát được cảm nhận của khách hàng về thương hiệu của bạn, khiến thương hiệu từng bước trở nên thân thuộc với khách. Một thương hiệu được xây dựng tốt sẽ kết nối với khách hàng thông qua mối quan tâm thật sự, không chỉ là mua và bán sản phẩm. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào xoay quanh vấn đề xây dựng thương hiệu trực tuyến, hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ giải đáp ngay.