Các doanh nghiệp đều muốn xây dựng thương hiệu để có được vị thế trên thị trường và lòng tin của khách hàng. Quá trình xây dựng niềm tin cần nhiều thời gian và không phải là chuyện dễ dàng thực hiện. Để xây dựng và phát triển niềm tin trong lòng khách hàng, bạn cần xây dựng một chiến lược thương hiệu chi tiết và hiệu quả.
Mục lục
Định nghĩa chiến lược thương hiệu
Chiến lược thương hiệu là gì? Đây được xem là công cụ, cách thức giúp doanh nghiệp có được niềm tin của khách hàng. Đây là khái niệm phản ánh cách nhìn nhận, suy nghĩ của khách hàng về doanh nghiệp của bạn. Chiến lược thương hiệu doanh nghiệp là việc lên kế hoạch xây dựng và duy trì hình ảnh mang ý nghĩa tích cực cho nhãn hiệu. Đây là một quá trình lâu dài và cần được duy trì để giữ vững hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng.
>> Xem thêm: Cách xây dựng thương hiệu cho website: Mô hình và Chiến lược
Xây dựng chiến lược thương hiệu chuẩn
Quá trình xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài và bền bỉ. Hơn nửa, doanh nghiệp chỉ có thể đạt được thành công khi có chiến lược thương hiệu rõ ràng. Sau đây là 10 yếu tố cơ bản mà doanh nghiệp cần lưu ý khi xây dựng chiến lược thương hiệu mới.
La bàn thương hiệu (Brand Compass)
Đây là cảm hứng, động lực, mục tiêu khi bạn thành lập doanh nghiệp. Những điều này sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và quyết định của doanh nghiệp trong tương lai. Để xác định được la bàn thương hiệu, bạn cần lưu ý đến những khía cạnh sau:
- Mục đích kinh doanh.
- Tầm nhìn và sứ mệnh.
- Giá trị cốt lõi.
- Mục tiêu chiến lược thương hiệu.
- Kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu đã đề ra.
- Những kết quả mà từng giai đoạn cụ thể phải đạt được.
Văn hoá Công ty (Company Culture)
Văn hoá doanh nghiệp sẽ được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi đã được liệt kê phía trên. Đây là những quy tắc, thái độ ứng xử chung mà nhân viên sẽ dùng để giao tiếp với nhau và với khách hàng. Một văn hóa vững mạnh và tích cực sẽ giúp kết nối nhân viên, tạo động lực cho họ cống hiến và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của doanh nghiệp đến khách hàng.
Tính cách thương hiệu (Brand Personality)
Đây là nét cá tính riêng của thương hiệu mà bạn muốn xây dựng, ví dụ như nghĩ đến thương hiệu của bạn là nghĩ đến sự chuyên nghiệp hoặc sáng tạo hoặc linh hoạt. Hãy tìm một nét ấn tượng, một tính từ miêu tả đúng nhất về thương hiệu của bạn. Sau đó, hãy tập trung khắc họa điều này trong tất cả hình ảnh hay thông điệp truyền thông. Theo thời gian, tính cách thương hiệu sẽ được hình thành và góp phần tạo nên mối quan hệ bền vững với khách hàng trung thành.
Cấu trúc thương hiệu (Brand Architecture)
Cấu trúc thương hiệu là cách doanh nghiệp phân bổ, sắp xếp các yếu tố nhỏ trong tổng thể thương hiệu lớn. Điều này liên quan đến chiến lược thương hiệu sản phẩm như đã phân tích ở trên. Doanh nghiệp có ý định phát triển thương hiệu sản phẩm như thế nào, bao nhiêu sản phẩm và sẽ tạo thương hiệu riêng cho chúng hay gộp chung dưới tên thương hiệu lớn. Tùy thuộc vào tình hình thị trường cũng như tiềm lực đang có mà doanh nghiệp sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp.
Tên thương hiệu và Slogan
Tên thương hiệu cần phải ngắn gọn, dễ đọc để khách hàng dễ dàng ghi nhớ. Tên thương hiệu sẽ theo bạn trong suốt quá trình kinh doanh, do đó hãy đầu tư thời gian để tìm được một cái tên thật sự ý nghĩa và khiến bạn có được cảm hứng và động lực mỗi khi nghĩ về. Tiếp theo đó là Slogan, đây là một câu ngắn gọn thể hiện được sứ mệnh của doanh nghiệp. Ví dụ Slogan của Trung Nguyên là “Khơi nguồn sáng tạo” hay của Bitis là “Nâng niu bàn chân Việt”. Một Slogan ấn tượng sẽ dễ dàng khiến khách hàng ghi nhớ và muốn được trải nghiệm sản phẩm.
>> Xem thêm: Định vị thương hiệu là gì? Dựng kế hoạch định vị thương hiệu ra sao?
Nhận diện thương hiệu
Hệ thống nhận diện thương hiệu không chỉ là Logo, Slogan mà còn là màu sắc và những hình trực quan, sống động mang tính cách thương hiệu. Một bộ nhận diện đầy đủ sẽ bao gồm:
- Thiết kế Logo.
- Màu sắc của thương hiệu.
- Phông chữ sử dụng.
- Danh thiếp (card visit).
- Header và Footer của tờ văn bản.
- Phong bì thư.
- Hóa đơn.
- Thẻ nhân viên.
- Đồng phục nhân viên.
- Sổ tay, bút viết.
- Chữ ký email.
- Poster truyền thông về dịch vụ, sản phẩm…
Doanh nghiệp sẽ áp dụng một phong cách thiết kế duy nhất cho tất cả yếu tố trên. Tùy theo quy mô doanh nghiệp mà bộ nhận diện thương hiệu có thể gia giảm theo nhu cầu sử dụng.
Chiến lược thương hiệu sản phẩm
Đối với những doanh nghiệp kinh doanh nhiều dòng sản phẩm thì sẽ có chiến lược riêng. Chiến lược thương hiệu sản phẩm là việc ấn định cho mỗi dòng sản phẩm một cái tên và bắt đầu xây dựng thương hiệu phù hợp với thị trường, khách hàng tiềm năng của riêng dòng sản phẩm đó. Ví dụ chiến lược thương hiệu sản phẩm sẽ tương tự như cách mà tổng công ty Unilever xây dựng thương hiệu cho nước rửa chén Sunlight, kem đánh răng Closeup, hay nước xả vải Comfort,… Có 3 chiến lược thương hiệu sản phẩm thường được áp dụng là:
Mở rộng dòng sản phẩm (Product line extension)
Chiến lược mở rộng dòng sản phẩm là việc tung ra thị trường những sản phẩm mới nhưng thuộc phân khúc, chủng loại của sản phẩm đã được định hình từ trước. Ví dụ như dựa vào thương hiệu kem đánh răng Colgate đã nổi tiếng từ trước, công ty cho ra mắt những sản phẩm mới cùng danh mục như Colgate Total, Colgate Maxima,… Chiến lược này phù hợp với những thương hiệu đã có chỗ đứng nhất định và công ty muốn mở rộng thêm sản phẩm để đáp ứng đa dạng thị hiếu khách hàng. Ưu điểm của chiến lược này là khách hàng đã quen thuộc với nhãn hiệu gốc từ trước nên việc ra mắt sản phẩm mới sẽ dễ dàng thành công. Tuy nhiên, cũng có một rủi ro là nếu sản phẩm mới vì một lý do nào đó mà mang hình ảnh tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nhãn hiệu.
Đa thương hiệu (Multi brand)
Chiến lược này rất phổ biến trong ngành tiêu dùng. Đó là khi công ty tung ra thị trường nhiều sản phẩm trong cùng một phân khúc với những tên thương hiệu riêng biệt nhau. Coca Cola đã thực hiện rất tốt chiến lược này khi ngoài đồ uống Coca Cola, hãng còn có những thương hiệu khác cùng thị trường như Fanta, Samurai, Sprite,… Điều này có vẻ như chúng đang cạnh tranh với nhau nhưng chính việc cạnh tranh này tạo nên sự phát triển, chiếm thêm nhiều thị phần cho thương hiệu chính Coca Cola.
Chiến lược này còn góp phần tạo nên rào cản cho đối thủ đang có ý định xâm nhập vào thị trường. Và nếu sản phẩm mới có thất bại thì cũng không ảnh hưởng gì đến thương hiệu chính, vì chúng được đặt dưới những cái tên khác nhau. Điều duy nhất mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi sử dụng chiến lược này là chi phí xây dựng thương hiệu sẽ rất lớn. Vì mỗi lần sản phẩm mới được tung ra bằng những cái tên xa lạ với người tiêu dùng thì doanh nghiệp phải thực hiện chiến lược thương hiệu từ đầu, không thể dựa trên những thương hiệu có sẵn để khiến khách hàng dễ dàng quen thuộc với sản phẩm mới.
Thương hiệu mới (New brand)
Chiến lược này được sử dụng khi doanh nghiệp muốn bắt đầu xâm nhập vào một thị trường hoàn toàn mới mà chưa từng kinh doanh trước đây. Tên thương hiệu mới sẽ có một phần giống với tên thương hiệu gốc. Ví dụ điển hình là VinGroup với hàng loạt những thương hiệu mới như VinHomes, VinPearl, VinCity trong lĩnh vực bất động sản hay VinFast gồm ô tô và xe máy điện hoặc dịch vụ y tế Vinmec, dịch vụ giáo dục Vinschool. Với chiến lược này, nếu thành công bạn sẽ mở rộng phạm vi kinh doanh sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, khai thác một thị trường mới và tránh xung đột với thị phần đang có. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực rất lớn để có thể nghiên cứu và lập chiến lược xâm nhập vào một ngành hàng mới.
Tiếng nói thương hiệu (Brand Voice)
Giọng văn và phong cách truyền đạt là nét đặc trưng riêng của từng doanh nghiệp. Trong chiến lược thương hiệu, yếu tố này có tác dụng giúp khách hàng nhận diện và phân biệt bạn với những đối thủ cạnh tranh khác. Để xây dựng nên tiếng nói thương hiệu thì những thông điệp bạn truyền đi cần phải đồng nhất, dù đó là bài đăng trên mạng xã hội hay trong TVC truyền hình. Sự đồng nhất này sẽ khiến khách hàng cảm thấy gần gũi, quen thuộc và dễ dàng ghi nhớ thương hiệu của bạn.
Website
Website là một trong những kênh truyền thông chính thống mà bạn cần tận dụng triệt để. Đây là nơi để bạn thể hiện một cách có hệ thống tất cả những hàng hóa, dịch vụ mà bạn cung cấp. Ngoài ra đây còn là nơi để bạn tổng hợp tất cả tầm nhìn, sứ mệnh, nhận diện thương hiệu, tiếng nói thương hiệu,…. Bạn cũng đừng quên ghi nhận và đăng tải lên Website những cảm nhận khách hàng sau khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ để tăng sức thuyết phục. Website cũng là một kênh bán hàng tiềm năng dưới sự phát triển vượt bậc của ngành thương mại điện tử. Do đó, bạn có thể tích hợp tính năng mua hàng và thanh toán trực tuyến trên Website để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Mạng xã hội
Trong chiến lược thương hiệu, không thể thiếu các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube,… Đây là những kênh tuyệt vời để bạn tương tác với khách hàng và xác định khách hàng tiềm năng. Tùy vào đặc thù của từng kênh mà bạn sẽ có kế hoạch truyền thông riêng, ví dụ như Youtube là kênh chia sẻ Video hay Instagram thì cần đầu tư vào hình ảnh. Tuy nhiên, nhìn chung thì việc phát triển các kênh mạng xã hội sẽ nhằm mục đích truyền đi thông điệp, hình ảnh thương hiệu đến với khách hàng để từng bước có được lòng tin của khách.
Lời kết
Chiến lược thương hiệu là một quá trình lâu dài để định hình, xây dựng và phát triển hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong cách nhìn nhận của khách hàng. Để lập được chiến lược bạn cần có cái nhìn tổng thể về thị trường, đối thủ, khách hàng tiềm năng, tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp cũng như cơ cấu sản phẩm mà bạn sẽ cung cấp. Nếu cảm thấy khó khăn, bạn có thể tìm kiếm các dịch vụ tư vấn chiến lược thương hiệu từ các đơn vị hoặc chuyên gia uy tín. Tất nhiên là bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn. Nếu bạn vẫn còn câu hỏi, hãy để lại ở phần bình luận để chúng tôi hỗ trợ nhé.