AWS Lambda là gì? Cách hoạt động, ưu nhược điểm và chi phí sử dụng

Hiện nay, các giải pháp serverless ngày càng trở nên phổ biến. Đây là công nghệ mà lập trình viên chỉ cần thực hiện quá trình viết code mà không cần lo lắng đến việc thiết lập server hay chạy các đoạn code đã viết. Đây được coi là lời giải cho bài toán chi phí cũng như giải pháp cho quá trình vận hành, khi lập trình viên chỉ cần tập trung vào việc hoàn thành các đoạn code. Một trong các nhà cung cấp giải pháp serverless hàng đầu hiện nay phải kể đến AWS với AWS Lambda.

Trong bài viết này, doanh nghiệp hãy cùng Magenest tìm hiểu chi tiết hơn về AWS Lambda nhé, bao gồm khái niệm Lambda AWS là gì, ưu và nhược điểm AWS Lambda, cách hoạt động, một số ví dụ ứng dụng dịch vụ cũng như chi phí sử dụng hiện nay của AWS Lambda.

AWS Lambda là gì?

Đây là dịch vụ cho phép người dùng tải lên các đoạn code và AWS Lambda sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các công việc còn lại như: chạy, hoặc mở rộng mã theo nhu cầu của bạn. AWS Lambda cũng cho phép bạn thiết lập để mã của bạn tự động kích hoạt từ các dịch vụ AWS khác.

Định nghĩa AWS Lambda

Lúc này, doanh nghiệp chỉ phải trả phí khi những đoạn code của họ đang chạy trên nền tảng bất kỳ. 

Ưu và nhược điểm AWS Lambda

Sau khi hiểu khái niệm Lambda AWS là gì, trong phần tiếp theo, doanh nghiệp hãy cùng Magenest tìm hiểu chi tiết về ưu và nhược điểm AWS Lambda nhé!

Ưu điểm của AWS Lambda

AWS Lambda sở hữu một số ưu điểm tuyệt vời sau đây mà doanh nghiệp không thể bỏ qua:

  • Khả năng scale (đo tỷ lệ) của dịch vụ này sẽ dựa trên số lượng chính xác của request hoặc invoke (yêu cầu hoặc đề nghị) của người dùng.
  • Doanh nghiệp không cần phải tốn công quản lý cơ sở hạ tầng vì chúng đều đã được quản lý bởi hệ thống của AWS Lambda.
  • Chi phí mà doanh nghiệp phải trả đều dựa vào đúng khoảng thời gian mà hệ thống của AWS Lambda phải vận hành xử lý.
Ưu điểm của AWS Lambda

Cụ thể về những ưu điểm này, do bản chất là một dịch vụ serverless, AWS Lambda chính là lời giải tuyệt vời cho bài toán vận hành của doanh nghiệp khi có nhu cầu về độ linh hoạt cao hơn và tổng chi phí sở hữu thấp hơn. 

AWS Lambda chạy các đoạn code trên nền tảng điện toán có tính khả dụng cao và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ công tác quản trị tài nguyên điện toán của doanh nghiệp, trong đó có bảo trì máy chủ và hệ điều hành, dự phòng dung lượng và Auto Scaling, triển khai các bản vá bảo mật và vận hành các đoạn code, cũng như theo dõi và ghi nhật ký mã. Tất cả những gì doanh nghiệp cần làm chỉ là cung cấp các đoạn code. 

Sử dụng ứng dụng serverless này của Amazon Web Services đồng nghĩa với việc các nhà phát triển có thể tập trung vào việc phát triển sản phẩm của mình thay vì phải lo lắng về việc quản lý và vận hành nhiều máy chủ hoặc thời gian chạy các đoạn code. Tổng chi phí được cắt giảm này sẽ cho phép các nhà phát triển tiết kiệm thời gian và nguồn vốn để có thể tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng các sản phẩm có quy mô linh hoạt và ổn định.

Nhược điểm của AWS Lambda

Cũng giống như các nền ứng dụng khác của serverless, AWS Lambda có một số nhược điểm đáng lưu ý dành cho doanh nghiệp như:

  • Doanh nghiệp sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp trong vấn đề chạy code, hoặc nền tảng của chúng ta sẽ không chạy được như mong muốn.
  • Thời gian nghiên cứu hệ thống khá lâu. Doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian học cách sử dụng và cũng như cách quản lý tài nguyên của mình.
  • Các vấn đề xử lý lỗi sẽ phức tạp và tốn nhiều thời gian, công sức cho doanh nghiệp. Khi sử dụng nền tảng serverless, công việc giám sát và gỡ lỗi nếu có, cũng là một công việc khá khó khăn.
Nhược điểm của AWS Lambda
  • Thời gian mà hệ thống xử lý tối đa đến khoảng 300 giây.
  • Dung lượng tối đa của ổ cứng mà doanh nghiệp có thể sử dụng chỉ nằm trong mức 512 MB.
  • Dung lượng giới hạn của memory cũng chỉ nằm trong mức giới hạn là 128 – 10240 MB.
  • AWS Lambda không có khả năng xử lý được các request sở hữu dung lượng lớn hơn mức 128 KB.
  • Log chỉ có thể được ghi vào trong CloudWatch của hệ thống AWS.
  • Đối với kết nối API, thời gian phản hồi của hệ thống sẽ chậm hơn đối với các request đầu tiên do tình trạng cold start (khởi đầu nguội) hay còn gọi là thời điểm function trigger (kích hoạt chức năng) lần đầu tiên.

Một số tính năng chính của AWS Lambda

Mở rộng những dịch vụ AWS khác nhờ logic tùy chỉnh

AWS Lambda giúp doanh nghiệp bổ sung logic tùy chỉnh vào những tài nguyên Amazon Web Service khác, chẳng hạn như: vùng lưu trữ của dịch vụ Amazon S3, các bảng biểu của dịch vụ Amazon DynamoDB,… Nhờ đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng điện toán đám mây vào các dữ liệu một cách dễ dàng ngay khi những dữ liệu này tiến vào hoặc có sự di chuyển qua đám mây.

Xây dựng backend có thể tùy chỉnh

Doanh nghiệp có thể sử dụng AWS Lambda để xây dựng các dịch vụ backend mới dành cho ứng dụng và có thể được kích hoạt theo đúng nhu cầu nhờ vào việc triển khai kết nối API với Lambda hoặc tùy chỉnh điểm cuối API nhờ vào Amazon API Gateway. Thay cho việc xử lý trên ứng dụng khách (guest), AWS Lambda sẽ tiến hành xử lý các backend một cách tùy chỉnh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tránh được đáng kể những vấn đề khác biệt về nền tảng của các ứng dụng khách, tiết kiệm pin và cập nhật dễ dàng hơn rất nhiều.

Cho phép doanh nghiệp tự viết code dễ dàng

AWS Lambda hỗ trợ doanh nghiệp các mã lập trình như Java, C#, Go, Node.js, PowerShell, Python, Ruby và cung cấp API Runtime. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể sử dụng bất cứ ngôn ngữ lập trình nào khác để dễ dàng khởi tạo những hàm của riêng mình.

Tự động hóa hoàn toàn quá trình quản trị

AWS Lambda có khả năng quản lý toàn bộ cơ sở hạ tầng giúp cho quá trình chạy code của doanh nghiệp trên các cơ sở hạ tầng này có mức độ sẵn sàng cùng khả năng chịu lỗi cao. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tối ưu được thời gian và công sức để tập trung phát triển những dịch vụ backend quan trọng chủ đạo của mình. 

Khả năng chịu lỗi được tích hợp sẵn trong hệ thống

AWS Lambda có thể duy trì mức công suất điện toán đám mây trên nhiều AZ (hay vùng sẵn sàng) tại từng khu vực AWS khác nhau, hỗ trợ bảo vệ an toàn cho các code mà doanh nghiệp đã xây dựng khi phần cứng của máy hoặc các trung tâm cơ sở dữ liệu riêng lẻ trên phần mềm gặp sự cố. AWS Lambda cũng được thiết kế với mức độ sẵn sàng rất cao. Hệ thống không có một khung thời gian bảo trì hoặc khung thời gian ngừng hoạt động nào theo lịch.

Đóng gói và triển khai hàm trong bộ chứa các hình ảnh

AWS Lambda hỗ trợ doanh nghiệp đóng gói và triển khai hàm trong bộ chứa các hình ảnh. Nhờ đó, người dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng các ứng dụng trong hệ thống nhờ vào công cụ này, hỗ trợ vận hành luồng công việc và các phần phụ thuộc phổ biến khác.

Khả năng thay đổi quy mô một cách tự động

AWS Lambda có khả năng kết nối với mã của doanh nghiệp mỗi khi cần thiết và sẽ tự động thay đổi quy mô để phù hợp với từng mức độ khác nhau của các yêu cầu được gửi đến mà không cần bất cứ thao tác hay cấu hình theo cách thủ công nào. Số lượng các mã có thể xử lý mỗi khi nhận được yêu cầu từ hệ thống là vô hạn. 

Kết với đến các hệ thống tệp được chia sẻ

Kết nối AWS Lambda với Amazon Elastic File System (EFS), doanh nghiệp có thể đọc, ghi và lưu trữ khối lượng dữ liệu lớn một cách an toàn với độ trễ thấp và ở mọi quy mô. Chúng ta không cần phải ghi code và tải dữ liệu về kho lưu trữ tạm thời để xử lý. Điều này giúp tiết kiệm tối đa thời gian và đơn giản hóa các code và doanh nghiệp có thể tập trung vào xử lý các chiến lược kinh doanh của mình hơn.

Chạy mã để phản hồi các yêu cầu của Amazon CloudFront

Lambda@Edge trong dịch vụ AWS Lambda có thể chạy các code của doanh nghiệp tại nhiều vị trí khác nhau của AWS trên phạm vi toàn cầu nhằm phản hồi những yêu cầu của Amazon CloudFront, chẳng hạn như các yêu cầu về nội dung đến hoặc từ các máy chủ hoặc đến từ trình xem gốc. Việc này giúp doanh nghiệp dễ dàng mang đến nhiều nội dung phong phú với mức độ cá nhân hóa cao và độ trễ thấp hơn cho các đối tượng người dùng cuối.

Điều phối đa hàm

Tích hợp AWS Lambda với AWS Step Functions, doanh nghiệp có thể xây dựng những tiến trình với trạng thái và khoảng thời gian chạy dài dành cho các ứng dụng và thiết bị backend. AWS Step Functions khi kết hợp cùng Lambda AWS sẽ cung cấp khả năng xác định chính xác các quy trình công việc sẽ được kích hoạt trong bộ hàm Lambda nhờ vào việc sử dụng các bước theo trình tự, dạng song song, dạng phân nhánh và xử lý lỗi. 

Tích hợp mô hình an toàn bảo mật

AWS Lambda có sẵn SDK (bộ công cụ giúp phát triển phần mềm) trong hệ thống và SDK có thể tích hợp với dịch vụ AWS Identity and Access Management (IAM) nhằm đảm bảo các quyền truy cập code vào những dịch vụ Amazon Web Services khác một cách bảo mật. 

Mô hình tài nguyên vô cùng linh hoạt

Doanh nghiệp chỉ cần lựa chọn dung lượng của bộ nhớ mà chúng ta muốn phân bổ cho hàm, sau đó, AWS Lambda sẽ hỗ trợ nhiệm vụ phân bổ công suất cho CPU, băng thông mạng cùng các thao tác I/O (đọc/ghi) trên ổ cứng.

Khả năng tích hợp với các nhiều công cụ vận hành khác

Những tiện ích mở rộng của dịch vụ AWS Lambda cho phép doanh nghiệp có thể dễ dàng tích hợp hệ thống với các công cụ vận hành khác của mình nhằm hỗ trợ quá trình theo dõi, quản trị và an toàn bảo mật cao. Những tiện ích mở rộng của Lambda AWS sẽ được chạy trong môi trường thực thi của hệ thống cùng các code hàm mà doanh nghiệp đã xây dựng. Các tiện ích mở rộng này cũng có thể ứng dụng API Lambda để tiến hành thu thập các thông tin cho việc dự báo tình hình cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng các tiện ích mở rộng này cho việc tích hợp các tác vụ đảm bảo an toàn bảo mật ưu tiên. Đặc biệt, tất cả những trường hợp tích hợp này đều không phải tốn phí vận hành.

Cách hoạt động của AWS Lambda

Doanh nghiệp có thể sử dụng AWS Lambda để chạy code với các trình kích hoạt như thay đổi dữ liệu, thay đổi trạng thái hệ thống hoặc hành động của người dùng. Lambda có thể được kích hoạt trực tiếp bởi các dịch vụ AWS như S3, DynamoDB, Kinesis, SNS và CloudWatch, có thể kết nối với hệ thống tệp EFS hiện có hoặc nó có thể được tích hợp vào hệ thống thông qua AWS Step Functions. Điều này cho phép doanh nghiệp xây dựng nhiều hệ thống xử lý dữ liệu serverless thời gian thực.

Cách hoạt động của AWS Lambda

Doanh nghiệp có thể sử dụng Amazon S3 để kích hoạt AWS Lambda nhằm xử lý dữ liệu ngay sau khi tải lên. Họ cũng có thể kết nối trực tiếp với hệ thống tệp Amazon EFS hiện có, cho phép truy cập chia sẻ song song để xử lý tệp quy mô lớn. Ví dụ: Doanh nghiệp có thể sử dụng Lambda để thu nhỏ hình ảnh, chuyển mã video, lập chỉ mục tệp, nhật ký xử lý, xác thực nội dung cũng như tổng hợp và lọc dữ liệu trong thời gian thực.

Ví dụ AWS Lambda áp dụng thực tế tại các doanh nghiệp

Trong phần này, doanh nghiệp hãy cùng Magenest tìm hiểu về ví dụ AWS Lambda thực tế đã được áp dụng tại một số doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới nhé!

Coca-Cola

The Coca-Cola Company là một tập đoàn đồ uống đa quốc gia của Hoa Kỳ, ra mắt thị trường lần đầu vào năm 1893. Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 1994 đến nay, các sản phẩm của thương hiệu vẫn luôn được nhiều đối tượng khách hàng nước ta ưa chuộng.

Coca-Cola

The Coca-Cola Company đã sử dụng tích hợp hai dịch vụ AWS Lambda và Amazon Step Functions để xây dựng nên một giải pháp serverless nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin dinh dưỡng cho những bên đối tác dịch vụ thực phẩm của thương hiệu.

FINRA

FINRA là cơ quan quản lý tài chính, hoạt động dưới dạng độc lập phi chính phủ, có trụ sở tại Hoa Kỳ. FINRA đảm nhiệm việc quản lý, giám sát những đơn vị môi giới – giao dịch chứng khoán, tài chính tại Hoa Kỳ. 

FINRA

FINRA thực hiện việc phân tích đến 75 tỷ giao dịch hàng ngày trên thị trường cho hoạt động xác định các giao dịch lừa đảo và nội gián. Dịch vụ AWS Lambda đã hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng hiệu suất mạnh mẽ trong quá trình phân tích dữ liệu.

iRobot

iRobot hay iRobot Corporation là công ty công nghệ chuyên sản xuất, thiết kế robot tiêu dùng hàng đầu thế giới. iRobot được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1990. Tại thị trường Việt Nam, iRobot hiện có hai văn phòng chi nhánh hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM.

iRobot

Trong công cuộc ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình và hoạt động kinh doanh của mình, iRobot đã triển khai tích hợp hai dịch vụ AWS Lambda và AWS IoT để chạy ứng dụng web kết nối đến máy hút bụi Roomba sử dụng kết nối WiFi.

Autodesk

Autodesk là một công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ, nổi tiếng sản phẩm chủ đạo là các phần mềm thiết kế theo dạng 2D, 3D dành cho các lĩnh vực như kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, truyền thông và giải trí. 

Autodesk

Autodesk đã triển khai dịch vụ AWS Lambda để tự động hóa các hoạt động công nghệ thông tin trong nội bộ doanh nghiệp. Từ đó, Autodesk có thể tiết kiệm thời gian và chi phí cần thiết cho việc quản lý cơ sở hạ tầng.

Chi phí của AWS Lambda

Như đã đề cập, đây là ứng dụng mà doanh nghiệp chỉ phải trả phí khi những đoạn code của chúng ta được chạy. Với AWS Lambda, doanh nghiệp chỉ phải trả tiền cho những gì mình sử dụng. Chi phí doanh nghiệp phải trả được tính dựa theo số lần yêu cầu các hàm và thời lượng, thời gian xử lý code của chúng ta.

AWS Lambda sẽ cho doanh nghiệp 1 triệu yêu cầu miễn phí mỗi tháng và 400,000 GB/giây thời gian điện toán mỗi tháng.

AWS Lambda hiện có ưu đãi Compute Savings Plans – mô hình tiết kiệm chi phí đối với mức sử dụng AWS EC2, Fargate và Lambda (tính theo USD/giờ) trong thời hạn 1 hoặc 3 năm. Với Compute Savings Plans, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 17% cho AWS Lambda. 

Như vậy, AWS Lambda là một giải pháp đáng xem xét cho bài toán chi phí.

Khi nào doanh nghiệp nên dùng AWS Lambda?

AWS Lambda là một nền tảng có khả năng tính toán cực kỳ lý tưởng cho nhiều trường hợp ứng dụng, cung cấp cho doanh nghiệp môi trường tại các ngôn ngữ đang được dịch vụ Amazon Web Services hỗ trợ, bao gồm Java, Python, Node.js,…

Khi triển khai dịch vụ AWS Lambda, doanh nghiệp cần đảm bảo chắc chắn về kiến thức chuyên môn cũng như khả năng lập trình phần code của mình. Ngoài ra, những phần công việc còn lại, chẳng hạn như quản lý khả năng cân bằng của bộ nhớ, kiểm soát CPU, kết nối mạng cùng những tài nguyên khác đều sẽ do hệ thống của AWS Lambda đảm nhận. Dịch vụ Lambda AWS này cực kỳ linh hoạt, có thể vận hành mọi nhiệm vụ với phân quyền cao nhất, bao gồm: xây dựng hiệu năng và dự phòng, theo dõi và kiểm soát các tài nguyên, đảm bảo an toàn bảo mật, deploy code,… Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp sẽ không thể can thiệp trực tiếp vào những tài nguyên cùng tiến trình khi hệ thống của AWS Lambda đang vận hành.

Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu can thiệp vào các thao tác này, AWS Lambda vẫn sẽ cung cấp một dịch vụ cho phép chúng có thể tự do quản lý, kiểm soát những tài nguyên này. Dịch vụ này chính là là EC2 (hay Amazon Elastic Compute Cloud) cho phép doanh nghiệp có khả năng tùy chỉnh linh hoạt từ những tùy chọn trên trên hệ thống của chúng, bao gồm: tùy biến về bộ nhớ, quản lý kết nối mạng và vấn đề an toàn bảo mật, các phần software stack,… Với các vấn đề liên quan đến hiệu năng sẽ thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của doanh nghiệp, nếu chúng ta tự đảm nhận cả việc kiểm soát các tài nguyên và sử dụng khu vực thì có thể gặp phải tình huống quá tải, phát sinh nhiều lỗi. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên để hệ thống của AWS hỗ trợ phần này.

Khi nào doanh nghiệp nên dùng AWS Lambda?

Lambda AWS chính là một dịch vụ điện toán đám mây cực kỳ tuyệt vời cho những tình huống doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng nhằm tăng trưởng quy mô một cách nhanh chóng hoặc giảm thiểu quy mô về mức 0 khi chúng ta không còn nhu cầu. Cụ thể, doanh nghiệp nên sử dụng AWS Lambda khi chúng ta:

  • Xử lý các tệp: Doanh nghiệp sẽ ứng dụng Amazon Simple Storage Service (Amazon S3) cho việc kích hoạt quy trình xử lý các dữ liệu AWS Lambda ngay trong khoảng thời gian thực.
  • Xử lý luồng vận hành: Doanh nghiệp sẽ sử dụng AWS Lambda và Amazon Kinesis cho quá trình xử lý các dữ liệu được truyền trực tuyến theo đúng thời gian thực. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc theo dõi hoạt động của các ứng dụng, xử lý những đơn đặt hàng và các giao dịch, phân tích mức độ và hiệu quả của luồng nhấp chuột của người dùng, làm sạch các dữ liệu, tiến hành lọc nhật ký, thiết lập chỉ mục, đưa ra các phân tích về những nền tảng mạng xã hội, đo lường các dữ liệu Internet of Things (IoT) từ xa, đo sáng,…
  • Xây dựng ứng dụng web: Doanh nghiệp sẽ kết hợp AWS Lambda với các dịch vụ Amazon Web Services khác để xây dựng nên các ứng dụng web (web app) một cách mạnh mẽ với khả năng tự động tăng – giảm quy mô và có khả năng vận hành ở cấu hình mang tính sẵn sàng cao trong nhiều trung tâm dữ liệu khác nhau.
  • Thiết lập phần phụ trợ IoT: Doanh nghiệp sẽ thiết lập nên phần phụ trợ serverless thông qua Lambda AWS để có thể dễ dàng xử lý các yêu cầu về API trên trang web, trên các thiết bị di động, IoT cũng như tại các bên thứ ba.
  • Tạo nên phần phụ trợ dành cho các thiết bị di động: Doanh nghiệp sẽ tạo nên phần phụ trợ nhờ vào việc sử dụng AWS Lambda cùng Amazon API Gateway cho quá trình xác thực và xử lý hoàn tất các yêu cầu API. Sau đó, chúng ta sẽ triển khai AWS Amplify để có thể dễ dàng tích hợp hệ thống với các giao diện người dùng trên nhiều nền tảng khác nhau như iOS, Android, Web và React Native của chúng ta.

Kết luận

AWS Lambda chính là giải pháp serverless vô cùng tuyệt vời, giúp các lập trình viên chỉ cần thực hiện quá trình viết code mà không cần lo lắng đến vấn đề thiết lập server hay chạy các đoạn code đã viết. AWS Lambda chính là lời giải cho bài toán chi phí cũng như là một giải pháp tối ưu cho quá trình vận hành của doanh nghiệp khi lập trình viên chỉ cần tập trung vào việc hoàn thành các đoạn code.

Doanh nghiệp muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ điện toán đám mây của Amazon, các phương pháp ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh và vận hành, quản lý doanh nghiệp, hãy đăng ký theo dõi ngay những bài viết mới nhất của Magenest nhé!

Bài viết mới nhất

Kinh doanh B2B: từ truyền thống đến thương mại điện tử

Đăng ký theo dõi bản tin của Magenest để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin hữu ích nào!

Lưu ý: Bằng việc cung cấp thông tin liên hệ cho chúng tôi, quý vị đã đồng ý nhận tin tức và các thông tin ưu đãi từ Magenest.