Năm 2020, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, thương mại điện tử đang nhanh chóng trở thành mô hình lý tưởng để giúp các doanh nghiệp bán lẻ phát triển. Các thương hiệu đã chuyển hướng sang thương mại điện tử đều đạt được những thành công nhất định, đặc biệt khi hầu hết người mua sắm đều ở nhà. Tuy nhiên, đối với các công ty đang xem xét cách chuyển đổi số, đây dường như là một thách thức không hề nhỏ. Để giảm bớt gánh nặng cho các nhà bán lẻ, bài viết sẽ chia sẻ tám bước bạn nên xem xét khi triển khai kế hoạch quản lý dự án thương mại điện tử.
Mục lục
- Bắt đầu kế hoạch quản lý dự án bằng dịch vụ Giao và Nhận hàng
- Lên kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe
- Phương án làm việc từ xa phải có trong kế hoạch quản lý dự án
- Nâng cao nhận thức về thương hiệu
- Trải nghiệm ảo
- Cung cấp Coupon Giảm giá và Thẻ quà tặng
- Xem xét đơn đặt hàng của nhà cung cấp
- Lên kế hoạch quản lý dự án: Chương trình khách hàng thân thiết
Bắt đầu kế hoạch quản lý dự án bằng dịch vụ Giao và Nhận hàng
Do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay, người tiêu dùng được khuyến khích ở trong nhà – và do đó, họ bắt đầu quen với việc thực hiện hầu hết các hoạt động tại nhà, bao gồm cả mua sắm.
Các doanh nghiệp bán lẻ đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự thay đổi này. Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng không trực tiếp đi tới các cửa hàng và trung tâm thương mại để mua sắm. Thay vào đó, họ thường thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Ngoài ra, sự tiện lợi của dịch vụ giao hàng tại nhà đã thay đổi trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Họ có thể sẽ tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp thương mại điện tử ngay cả khi cuộc khủng hoảng toàn cầu kết thúc.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với việc nhận hàng – mặc dù khách hàng được khuyến khích thực hiện các biện pháp phòng ngừa, quy trình này đã trở nên hợp lý và cần ít tương tác hơn. Cuối cùng, các nhà bán lẻ sẽ cần lưu ý đến những tiện ích này và cách chúng thu hút khách hàng hiệu quả như thế nào. Đây là một mô hình cần được thực hiện sau giai đoạn khủng hoảng.
Để chuyển hướng sang mô hình thương mại điện tử, trước tiên các công ty cần nghiên cứu giá cước vận chuyển để nhận được ưu đãi tốt nhất. Chi phí vận chuyển cao cho những đơn hàng lớn có thể là yếu tố khiến khách hàng từ chối mua sắm từ doanh nghiệp của bạn.
Việc vận chuyển hàng hóa đến với khách hàng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư vào công đoạn đóng gói sản phẩm, vậy nên bao bì trở thành một nhân tố quan trọng trong quy trình bán hàng. Các thương hiệu cũng sẽ cần phải xem xét đến giá cả và chất lượng bao bì của họ – đầu tư bao bì thân thiện với môi trường sẽ là một trọng những yếu tố mà khách hàng mong đợi.
Cuối cùng, vận chuyển và giao hàng là những yếu tố chính của thương mại điện tử. Dịch vụ giao và nhận hàng tiện ích có thể khuyến khích khách hàng trở thành những người ủng hộ lâu dài cho thương hiệu của bạn.
>> Xem thêm: Giải Pháp Giao Hàng Thương Mại Điện Tử – Những Kỳ Vọng Và Tương Lai
Lên kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe
Thế giới đang mong chờ những gam màu tươi sáng sau COVID-19, nhưng thực tế hiện nay chúng ta vẫn phải thích nghi và sống cùng với nó.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện trong thời kỳ giãn cách xã hội sẽ cần được duy trì, đặc biệt là khi có nhiều nhà bán lẻ quay trở lại hoạt động bình thường.
Các công ty cần bổ sung các khu vệ sinh trong cửa hàng của họ đồng thời thường xuyên khử trùng cơ sở kinh doanh.
Các biện pháp giãn cách xã hội có thể đã được nới lỏng ở một số nơi trên thế giới, nhưng đôi khi dịch bệnh có thể sẽ tái bùng phát. Các nhà bán lẻ nên chuẩn bị những phương án giới hạn số lượng người trong cửa hàng của họ – điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một chút biến động về doanh số.
Như bài viết đã đề cập, giao và nhận hàng tận nhà sẽ trở thành tiêu chuẩn, nhưng các thương hiệu cần đảm bảo rằng những mặt hàng này được đưa đến tay khách hàng một cách an toàn nhất.
Tất cả nhân viên, dù là đã làm việc lâu năm hay mới gia nhập doanh nghiệp đều cần được đào tạo bài bản về các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ cần phải tìm cách đảm bảo an toàn cho nhân viên của họ trong quá trình làm việc.
Thế giới đã thay đổi và những ảnh hưởng của đại dịch có thể sẽ bắt đầu trong thời gian tới – việc chuẩn bị một môi trường làm việc an toàn sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp về lâu dài.
Phương án làm việc từ xa phải có trong kế hoạch quản lý dự án
Các nhà bán lẻ có thể không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hình thức làm việc từ xa, nhưng khách hàng của họ thì có – và điều này cần được doanh nghiệp xem xét khi xây dựng kế hoạch quản lý dự án chuyển hướng sang lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong khi các cửa hàng cần nhân viên túc trực tại điểm kinh doanh thì phần lớn khách hàng của họ sẽ tiếp tục làm việc tại nhà trong thời gian còn lại của năm 2020 và có thể lâu hơn nữa.
Nhiều công ty cũng đang tính đến chuyện cho một số nhân viên làm việc từ xa dài hạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến cách họ tiếp cận các dịch vụ bán lẻ như thực phẩm, quần áo và giải trí.
Nâng cao nhận thức về thương hiệu
Thời kỳ cách ly xã hội đã thay đổi tất cả những lý thuyết hiện nay về nhận thức thương hiệu và lòng trung thành.
Người tiêu dùng do tâm lý e sợ dịch bệnh kéo dài nên họ đã mua tích trữ từ bất kỳ thương hiệu nào có sẵn – mặc dù có thể họ đã là khách quen của các công ty khác trong nhiều năm trước đó.
Và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục – tư duy ‘làm bất cứ điều gì bạn có thể’ đã hình thành nhanh chóng và sẽ khó bị lung lay, nó đồng thời cũng tác động đến nhận thức về thương hiệu trong thời gian dài sau đó.
Thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết, kéo theo đó là một tâm lý rằng việc ủng hộ một thương hiệu không phải lúc nào cũng là một phương án thông minh.
“Trăm người bán, vạn người mua”, các nhà bán lẻ sẽ phải làm việc gấp đôi để marketing cho thương hiệu của họ.
Các công ty sẽ cần điều chỉnh các hoạt động nâng cao nhận thức về thương hiệu nhằm làm nổi bật website thương mại điện tử của họ – chẳng hạn như cung cấp nhiều lựa chọn mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng và nhận hàng nhanh chóng, tiện lợi.
Cập nhật thường xuyên về các biện pháp an toàn và bảo vệ sức khỏe cũng sẽ khiến khách hàng cảm thấy yên tâm khi đến cửa hàng của bạn.
Các nhà bán lẻ cần chấp nhận rằng: cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ gay gắt hơn trước – hãy để ý đến những khía cạnh của thị trường mà nhu cầu khách hàng chưa được đáp ứng một cách thỏa đáng, và tận dụng ngay khi chúng xuất hiện.
Người tiêu dùng có vô số lựa chọn – hãy cân nhắc việc thu hẹp sự tập trung của họ bằng cách nêu bật các giá trị mà bạn có thể mang lại cho họ thông qua các kế hoạch truyền thông thương mại điện tử của mình.
Trải nghiệm ảo
Với hình thức làm việc từ xa đang ngày càng trở nên được ưa chuộng trên toàn thế giới, các nhà bán lẻ sẽ phải tìm ra các cách thức mới để tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng.
Vì người tiêu dùng sẽ không đến các cửa hàng thường xuyên như trước khi xảy ra đại dịch, các doanh nghiệp cần phải nhờ cậy vào công nghệ và phương tiện truyền thông để tạo ra những trải nghiệm đó.
Phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một thứ không thể thiếu cho hầu hết người tiêu dùng và đây cũng chính là thứ mà các doanh nghiệp có thể tận dụng để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của họ.
Một số công ty đã thu hút thành công khách hàng bằng cách tổ chức các livestreams trực tiếp trên nền tảng YouTube hoặc Instagram để giới thiệu sản phẩm hoặc trò chuyện cùng với các chuyên gia.
Việc giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn cho cộng đồng đã khiến các nhà bán lẻ tạo ra những phiên bản trực tuyến phục vụ trải nghiệm trong chính ngôi nhà của khách hàng, chẳng hạn như phòng thay đồ ảo…
Các doanh nghiệp cũng có thể tạo các bộ lọc AR trên Instagram và Snapchat để khách hàng dùng thử các sản phẩm như đồ trang điểm và quần áo, cũng như để chơi game.
Doanh nghiệp càng xuất hiện trực tuyến nhiều hơn trong tương lai thì họ càng có thể tương tác tốt hơn với khách hàng của mình.
Cung cấp Coupon Giảm giá và Thẻ quà tặng
Đại dịch đã gây ra những tổn thất nhất định tới một lượng lớn người tiêu dùng, và tổn thất ấy có thể sẽ tiếp tục kéo dài.
Do đó, sức mua của khách hàng sẽ giảm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực gấp đôi để khuyến khích khách hàng mua hàng của họ.
Các thương hiệu nên xem xét việc lấy khách hàng làm trung tâm gắn với hoạt động tiếp thị của họ – cho khách hàng lý do để gắn bó lâu dài cùng thương hiệu.
Để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, các thương hiệu bán lẻ nên có những chính sách giảm giá, dịch vụ trọn gói và tặng quà đặc biệt.
Sử dụng các biện pháp kích cầu để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thương mại điện tử của bạn cũng giống như việc chạy một quảng cáo trên nền tảng, điểm khác biệt ở đây là người dùng quan tâm nhiều hơn đến những ưu đãi này.
Giảm giá cũng có thể giúp tăng doanh số cho các danh mục sản phẩm bán không chạy, giảm lượng hàng tồn kho.
Thẻ quà tặng là một cách tuyệt vời để đảm bảo công việc kinh doanh trong tương lai, đồng thời mang lại doanh thu ngay lập tức.
Xem xét đơn đặt hàng của nhà cung cấp
Các nhà bán lẻ không nên tích trữ quá nhiều hàng hóa vì việc đó có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Hơn nữa, họ nên xác định những mặt hàng bán chậm và giảm số lượng nhập về từ nhà phân phối.
Tất nhiên, việc luôn sẵn có một nguồn cung dồi dào cho những sản phẩm phổ biến là vô cùng quan trọng, doanh nghiệp phải rất tinh tế khi quyết định lượng hàng mà họ sẽ nhập về và tích trữ.
Hệ thống quản lý hàng tồn kho nằm trong kế hoạch quản lý dự án sẽ giúp theo dõi các mặt hàng doanh nghiệp hiện tích trữ và xác định những sản phẩm bán chạy.
Để đảm bảo không có quá nhiều hàng tồn, các nhà bán lẻ nên làm việc với nhà cung cấp của họ để giới hạn việc sản xuất một số mặt hàng nhất định – nếu doanh số thương mại điện tử tăng thì việc sản xuất cũng sẽ tăng lên.
Ngoài ra, bạn nên xem xét việc đàm phán các hình thức thanh toán dài hạn đối với nhà cung cấp – điều này sẽ giúp các công ty giữ lại vốn và duy trì hoạt động cho đến khi tình hình kinh doanh trở nên khả quan hơn.
Lên kế hoạch quản lý dự án: Chương trình khách hàng thân thiết
Khách hàng quen thuộc (repeat customer) tạo nên phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho hầu hết các doanh nghiệp – vì vậy, việc xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là trong thời điểm có nhiều biến động như hiện nay.
Tập trung vào các chương trình tiếp thị khách hàng thân thiết sẽ tạo ra sự khác biệt, vì vậy chiến lược này nên được đưa vào kế hoạch triển khai dự án thương mại điện tử của bạn.
Trong thời gian còn lại của năm 2020, các thương hiệu sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để gây dựng tệp khách hàng trung thành – sử dụng các chính sách khuyến khích như giảm giá được coi là phương thức hiệu quả trong trường hợp này.
Nhưng để xây dựng niềm tin và thiện chí khách hàng, một vài đợt giảm giá sẽ không tạo ra tác động đủ lớn.
Thay vì các đợt giảm giá, các chương trình khách hàng thân thiết có thể thu hút lượng khách hàng lớn hơn rất nhiều. Hệ thống điểm thưởng khi mua hàng sẽ cải thiện mức độ tương tác và nâng cao doanh số bán hàng.
Một cách khác để thiết lập lòng trung thành của người tiêu dùng là thông qua các dịch vụ đăng ký tài khoản.
Đăng ký tài khoản thương mại điện tử là cơ sở của nhiều mô hình kinh doanh thành công, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Giải pháp này có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao sự tín nhiệm từ đó củng cố lòng trung thành của khách hàng.
Các dịch vụ đăng ký (Subscriptions) và chương trình khách hàng thân thiết cung cấp cho doanh nghiệp một cơ sở dữ liệu về khách hàng, việc thường xuyên tương tác với họ có thể cải thiện doanh số bán hàng – đối với các công ty chưa bắt kịp những xu hướng này, năm 2020 sẽ là thời điểm tốt nhất để làm điều đó.
Đại dịch đang thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng thương mại điện tử đã và đang nhanh chóng chứng tỏ là đây là một mô hình kinh doanh an toàn và hiệu quả mà các công ty có thể áp dụng.
Vì thương mại điện tử không phải là một lĩnh vực truyền thống mà tất cả các công ty đều quen thuộc, nên để chuẩn bị cho sự thay đổi, đây là các bước lên kế hoạch quản lý dự án doanh nghiệp nên cân nhắc :
- Đầu tư vào dịch vụ nhận và giao hàng.
- Thiết lập các biện pháp đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Nắm bắt nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng.
- Điều chỉnh bộ nhận diện thương hiệu.
- Tạo ra nhiều trải nghiệm ảo hơn.
- Cung cấp coupon giảm giá và thẻ quà tặng.
- Xem xét đơn đặt hàng của nhà cung cấp và quản lý hàng tồn kho.
- Tập trung vào chương trình khách hàng thân thiết và các dịch vụ đăng ký.
Với 8 bước trên, các doanh nghiệp sẽ có thể chuyển hướng sang lĩnh vực thương mại điện tử một cách an toàn, và nhanh chóng cải thiện doanh số bán hàng của họ trong tương lai. Ngoài ra, hãy cân nhắc đầu tư vào phần mềm thương mại điện tử chất lượng để giúp doanh nghiệp của bạn hoạt động hiệu quả và trơn tru.